Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngân Trương - người phụ nữ viết tự truyện chống ung thư

04:02, 26/02/2021

Thành phố Vienna. Những ngày tháng hai tuyết trắng và phong tỏa. Một người phụ nữ Việt Nam đến bệnh viện lúc 7 giờ sáng để xét nghiệm Covid-19 kết hợp truyền hóa chất và liệu pháp miễn dịch chống ung thư. Đó là chị Ngân Trương - nữ tác giả của tự truyện chống căn bệnh nan y Tôi đang và sẽ sống.

Thành phố Vienna. Những ngày tháng hai tuyết trắng và phong tỏa. Một người phụ nữ Việt Nam đến bệnh viện lúc 7 giờ sáng để xét nghiệm Covid-19 kết hợp truyền hóa chất và liệu pháp miễn dịch chống ung thư. Đó là chị Ngân Trương - nữ tác giả của tự truyện chống căn bệnh nan y Tôi đang và sẽ sống.

Tác giả Ngân Trương sống vui vẻ, đi du lịch cùng gia đình, người thân, bạn bè trong thời gian bị bệnh nan y. Ảnh: NVCC
Tác giả Ngân Trương sống vui vẻ, đi du lịch cùng gia đình, người thân, bạn bè trong thời gian bị bệnh nan y. Ảnh: NVCC

“Em đã thấy mùa xuân chưa

Hoa thắm tươi anh mua mỗi buổi chợ

Việc nhà để đó cho anh

Em cứ ngắm hoa và vui vẻ sống

Xuân chỉ về khi có em

Anh sẽ vui khi nhìn em mỉm cười...”

Đó là những dòng thơ mà chị Ngân Trương (tên đầy đủ: Trương Thanh Ngân - hiện sống tại Vienna - thủ đô Cộng hòa Áo cùng chồng và 3 con trai) viết trong quãng thời gian chống lại căn bệnh ung thư mà chị mắc phải từ tháng 10-2011 đến nay.

* Tình yêu chống lại đớn đau

Có lúc bệnh tưởng đã “êm” sau phẫu thuật lần đầu, nhưng rồi lại di căn vào năm 2018 và lại phẫu thuật (lần này là hạch bạch huyết). Chị Ngân đã trải qua hơn 50 lần hóa trị lẫn xạ trị, cũng như đang theo tiến trình miễn dịch với nhiều tháng ngày đau nhức cơ thể. Thậm chí có lần, vị bác sĩ bảo chị rằng khối u đã di căn sang phổi và chị có thể chỉ còn sống được từ 3-6 tháng thôi.

Vậy mà chị Ngân Trương không đầu hàng. “Tôi nhận ra biến cố bệnh tật, nỗi đau thể xác lẫn tinh thần khiến mình thay đổi nhiều quan điểm sống, cách hành xử và biết quý trọng từng phút giây... Tôi yêu thương cơ thể mình và những người thân trong gia đình, học cách tha thứ cho mình lẫn cho người khác” - chị nói.

Ngoài làm thơ, vẽ tranh, viết hồi ký, chị Ngân còn tự làm Vlog trên YouTube để góp phần chia sẻ những kinh nghiệm cho những bệnh nhân ung thư khác tham khảo cách chăm sóc, chữa bệnh. Nhất là động viên họ, lan truyền thái độ sống tích cực, lạc quan, yêu đời vượt qua nghịch cảnh.

“Cuộc đời công bằng lắm, khi bạn mất cái này thì bạn sẽ nhận được cái kia hoặc ngược lại. Ông trời sẽ không bao giờ đóng sập mọi cánh cửa trước mắt bạn đâu” - trích tự truyện của NGÂN TRƯƠNG.

“Mục đích là giúp người bệnh thoát khỏi tâm trạng hoảng loạn, loay hoay tuyệt vọng, vượt qua mặc cảm và lạc quan để sống tiếp. Tôi muốn đem lại năng lượng tích cực cho mình và người đồng cảnh ngộ” - chị Ngân Trương bày tỏ với Đồng Nai cuối tuần trong những ngày đầu xuân Tân Sửu.

Chị Ngân Trương tâm sự: “Từ năm 2020 đến nay bệnh tái phát, tôi không khỏi lo lắng và cũng vẫn sợ hãi với căn bệnh của mình, nhưng tôi muốn tự cổ vũ tinh thần cho chính bản thân và những người thân, bạn bè. Bởi mình là người đã trải qua rất nhiều thăng trầm, vui, buồn, hạnh phúc, tuyệt vọng, hy vọng, đau đớn và trầm cảm...

Thông thường khi người ta trao những thông điệp tích cực thì sẽ nhận lại được những thông điệp tích cực không kém. Ví dụ tôi đăng những dòng nội dung tích cực, lạc quan lên  mạng xã hội thì sẽ nhận được rất nhiều những comment (bình luận) tích cực và hài hước. Còn nếu như đưa những status tiêu cực (than thở chuyện ốm đau, kêu ca cuộc sống khó khăn hay trách móc người nọ người kia chẳng hạn) thì chỉ có thể nhận được những comment cũng... tiêu cực, hay an ủi động viên kiểu chung chung thôi, bởi có ai chia sẻ được nỗi buồn với nỗi đau đâu”.

* “Tôi muốn con không quên cội nguồn Việt Nam”

“Khi bạn bị ung thư cuộc đời không phải chấm dứt mà chỉ là bạn đối diện một bước ngoặt. Đời bạn như một bức tranh thì ung thư là một chi tiết chấm phá. Nó giúp bạn hiểu thế nào là giá trị cuộc sống, hạnh phúc bạn đang có cũng như những điều tốt đẹp mà bạn đã và đang hướng tới” - chị Ngân Trương nói tiếp.

Các bức tranh do chị Ngân Trương vẽ như một hoạt động tích cực để chống lại bệnh tật
Các bức tranh do chị Ngân Trương vẽ như một hoạt động tích cực để chống lại bệnh tật

Như khi được hỏi Tết Tân Sửu 2021 vừa rồi nơi xứ người, chị và gia đình chào đón năm mới âm lịch như thế nào, chị Ngân cho hay: “Mùa xuân là mùa của sum vầy, của hạnh phúc, mình ở xa nên chẳng mấy khi được ăn Tết cùng gia đình ở Việt Nam, tất cả chỉ còn lại trong ký ức. Năm nay vì lý do sức khỏe, ban đầu tôi nghĩ chắc không chuẩn bị gì, chỉ tính mua một vài cái bánh chưng, đặt vài món ăn (bên Áo bây giờ rất phổ biến dịch vụ nấu đồ ăn Việt Nam bán cho kiều bào) thôi. Thế nhưng càng cận kề ngày Tết, tôi lại càng nhớ không khí chuẩn bị đón Tết ngày xưa ở quê nhà. Rốt cuộc cũng nhờ chồng đi mua nguyên liệu về nhà tự gói bánh chưng và làm bữa cơm tất niên giao thừa có món giò thủ, xôi gấc, canh măng... đúng kiểu, đúng vị quê hương”.

“Tôi biết khi làm tôi sẽ đau vì phải đứng lâu, nhưng vẫn háo hức được tìm lại những kí ức xưa cũ. Tôi muốn đón Tết bằng những món ăn do chính tay tôi nấu và muốn các con tôi không quên nguồn cội Việt Nam. Tôi muốn các con thấu hiểu ngày Tết là ngày sum vầy của những gì tốt đẹp nhất” - người phụ nữ sang Áo du học và định cư từ năm 1996 đến nay tâm sự.

* Tự truyện cho mọi người

Trong tự truyện Tôi đang và sẽ sống vốn xuất bản hơn 1 năm trước (NXB Hồng Đức), chị Ngân Trương ngoài việc tường thuật khá chi tiết tâm trạng, cảm xúc khi đối mặt ung thư và diễn tiến căn bệnh, còn miêu tả đầy xúc động về tình yêu thương của người chồng, cha mẹ, con cái lẫn tình cảm chia sẻ từ các y bác sĩ, họ hàng, bạn bè và mọi người xung quanh nhằm “trợ lực” cho chị. Họ giúp chị không cô độc trong “cuộc chiến với tử thần” vốn nhiều lúc khiến chị gần như buông xuôi, bỏ cuộc. Họ giúp chị hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được sống giữa tình yêu thương, tình người và chuyển hóa thành sức mạnh để vượt qua thử thách ngặt nghèo của số phận.

Ngược lại, chính bản thân Ngân Trương cũng đầy nghị lực, ý chí cố gắng khi sống hạnh phúc và làm cho các thành viên trong gia đình chị vui vẻ để “không phải luyến tiếc” điều gì. “Giản dị và chân thực” - đó là nhận xét từ nhà văn Thùy Dương khi đọc Tôi đang và sẽ sống. “Người đọc có thể hình dung ra một cách rõ nét những gì mà một người bệnh ung thư phải đối mặt. Bên những đau đớn, tuyệt vọng là sự thương xót đùm bọc giữa những con người với nhau” - nhà văn Thùy Dương viết.

Và có lẽ những bạn đọc từng đọc những trang tự truyện của Ngân Trương đều không thể quên những trải lòng sâu sắc của tác giả: “Với bản thân tôi, ung thư đã lấy đi nhiều thứ như sức khỏe, tiền bạc, thời gian. Nó còn để lại trên người tôi vài cái sẹo xấu xí, nhưng ngược lại, nó đem đến cho tôi sự thay đổi tích cực về nhân sinh quan, giúp tôi hoàn thiện hơn về cách đối nhân xử thế, khiến tôi thấm thía ý nghĩa của khổ đau và hạnh phúc, ý nghĩa của tình thân gia đình. Nó còn giúp tôi nhận ra tôi đang có một người chồng tuyệt vời, thậm chí còn mang đến cho tôi những tình bạn đẹp...”.

Và thông điệp của tác giả cũng rất rõ ràng qua Tôi đang và sẽ sống: “Với đa số bệnh nhân ung thư, cuộc chiến chống lại căn bệnh đó là cuộc kháng chiến trường kỳ, đòi hỏi sự dũng cảm kiên cường và cả niềm tin tuyệt đối là mình sẽ thắng. Đối mặt với bệnh tật là cách duy nhất để vượt qua nó, bạn nên chấp nhận nó là một phần của cuộc sống. Đừng sợ hãi, nó sẽ khiến bạn gục ngã... Ung thư là căn bệnh nan y nhưng bị ung thư không có nghĩa là sẽ chết. Bạn hãy coi nó là một căn bệnh mãn tính và tìm cách sống vui vẻ với nó nhé, đừng vì mình mắc bệnh ung thư mà tuyệt vọng, hãy hy vọng và hy vọng”.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều