Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở vùng đất Nam bộ khi chúa Nguyễn thiết lập nền hành chánh chế độ phong kiến, sau này tỉnh Đồng Nai phục dựng, được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, nằm trong quần thể Khu du lịch Bửu Long.
“Thuật cầm gậy đến yết kiến, được trao chức Gián nghị.
Thuật tính thẳng thắn, gặp việc dám nói, vua thường ưu đãi”.
(Đại Nam nhất thống chí)
Ảnh chụp tượng in trong sách |
Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở vùng đất Nam bộ khi chúa Nguyễn thiết lập nền hành chánh chế độ phong kiến, sau này tỉnh Đồng Nai phục dựng, được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, nằm trong quần thể Khu du lịch Bửu Long. Kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa, tôn sư trọng đạo, nhiều danh nhân văn hóa phía Nam được đặt tượng thờ trong Văn miếu, trong số này có danh nhân Đặng Đức Thuật; tên ông cũng được đặt tên đường ở TP.Biên Hòa, con đường dài 800m, ngang qua Trường THPT Trấn Biên. So với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Gia Định tam gia Trịnh Hoài Đức - Lê Quang Định - Ngô Nhơn Tịnh... thì ông dường như ít được biết đến hơn. Nhưng chính 3 vị Gia Định tam gia và Nguyễn Hương người chính gốc Bình Thuận, tôn Đặng Đức Thuật làm thầy và Đặng Đức Thuật được mệnh danh là một người thầy về môn sử thời bấy giờ, nhất là ở Nam bộ.
Có thể xác tín về điều này khi là quan đầu triều,Trịnh Hoài Đức có bài thơ Khóc Đặng Cửu Tư tiên sinh với lời lẽ thống thiết:
Tử Mỹ sinh bình lụy khảm kha
Hữu tài vô mệnh nại chi hà
Tuyền đài đàn trúc đăng văn bá
Chiên tọa phong xuy khấp tửu ma
Chương sớ dĩ thù đương thế vọng
Thi thư tằng chính hậu nhân ngoa
Quy sơn bất tận tình trung khúc
Dạ dạ phần tiền khởi nộ ba
Tác giả Hoài Anh trong công trình biên khảo Gia Định tam gia, dịch thơ như sau:
Thiếu lăng trải lắm gia truân
Có tài phận hẩm, chịu phần nổi trôi
Suối vàng, vãn bá xứng ngôi
Gió khóc ma rượu từng ngồi đệm chiên
Sớ dâng nức tiếng đời khen
Thi thư sửa lỗi ngoa truyền đời sau
Về núi, tình vẫn dạt dào
Trước mồ sóng giận ào ào dấy lên
Câu 5 trong bài thất ngôn bát cú Hán tự ở trên là “Chương sớ thù đương thế vọng”, dịch nghĩa là “Bản sớ dâng đã đáp ứng được nguyện vọng người đời”, đây là nói chuyện khi nhà Nguyễn mới trung hưng (Nguyễn Ánh lên ngôi thành vua Gia Long), ông dâng Trung hưng thập sách, được nhà vua có chiếu bổ nhiệm Nội các học sĩ, sau ông trái ý triều đình nên lui về ở ẩn và làm bài Quy sơn thập vịnh. Khi Nguyễn Ánh chưa lên ngôi vua, năm 1788 phong ông chức Hàn lâm viện gián nghị. Thấy hình phạt áp dụng thời bấy giờ quá nặng, ông tâu xin giảm bớt, vua không nghe, ông bỏ đi, vua sai Tống Phước Đạm đuổi theo mời về; sau theo đánh giặc, ông bị chết dọc đường. Khi ông chết được an táng ở Bình Thuận.
Trước khi tham chính, ông ở vùng núi Yên Phước, Ninh Thuận; không rõ quê quán, sinh ra tại đâu. Tài học của ông hình thành Đặng gia sử phái được tôn vinh thời bấy giờ. Sách Đại Nam nhất thống chí phần viết về tỉnh Bình Thuận ở mục “Nhân vật” viết về 7 người là Nguyễn Đăng Hựu, Vũ Văn Lân, Nguyễn Văn Tại, Phan Tiến Tuấn, Nguyễn Nhược Sơn, Bùi Tăng Huy và Đặng Đức Thuật. Bộ chính sử triều Nguyễn, viết về Đặng Đức Thuật có câu: “Thuật tính thẳng thắn, gặp việc dám nói, vua thường ưu đãi. Sau tòng chinh chết ở giữa đường” (...) là sự tôn vinh hiếm có.
Cho đến nay, biểu dâng Trung hưng thập sách và chuỗi bài Quy sơn thập vịnh chưa sưu tầm được. Các sách Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí đều có viết về ông, trong đó có dẫn chuyện ông can vua hình phạt quá nặng khi dân tình phạm lỗi, vua không nghe, ông khẳng khái: Can không nghe thì gián gián nghị nghị làm gì? Chức gián nghị là để can/ trình tấu với vua, như chức ngự sử.
Từng hình thành Đặng gia sử phái, Gia Định tam gia tôn làm thầy, danh nhân Nam bộ, Đặng Đức Thuật được thờ trong Văn miếu Trấn Biên.
Trần Trị An
(Nguồn tham khảo: Sách Gia Định tam gia;
Đại Nam nhất thống chí,
290 năm Văn miếu Trấn Biên)