Báo Đồng Nai điện tử
En

Những phiên khúc Xuân cho trẻ

03:01, 01/01/2021

- Thưa thầy, con xin trả lại cuốn sách thầy vừa tặng ạ!<br>

- Sao con trả lại sách?<br>

- Dạ, vì cuốn sách này thầy đã tặng ở cơ quan ba con và con đã được nhận.

1.

- Thưa thầy, con xin trả lại cuốn sách thầy vừa tặng ạ!

- Sao con trả lại sách?

- Dạ, vì cuốn sách này thầy đã tặng ở cơ quan ba con và con đã được nhận.

- Thì ra thế...

- Nhưng... con xin thầy tặng cho một nhỏ bạn của con. Nó không đi dự lớp học kỳ trong quân đội lần này, mà nó lại rất thích đọc sách...

- Tuyệt quá! Con đọc tên bạn con đi để thầy ký tặng.

Chuyện này xảy ra vào buổi lễ bế mạc lớp Học kỳ trong quân đội đầu tiên tổ chức tại Đồng Nai. Cô bé trong câu chuyện là con gái một nhà báo và đến nay đã là một sinh viên. Đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên của tôi trong 10 năm tròn tặng sách thiếu nhi của mình cho học sinh giỏi văn, học sinh nghèo các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh
Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh

2.

- Thưa thầy, trong hai cuốn sách này, con đã đọc cuốn Mơ làm thủ lĩnh rồi ạ.

- Vậy con được thầy tặng sách dịp nào?

- Dạ, con không được tặng. Mà con đọc ké của một bạn được thầy tặng. Con cũng thích làm “thủ lĩnh” trong lớp học như bạn Trung trong truyện vậy! Thầy ơi! Thầy ghi tên con vào sách tặng đi thầy. Cả hai cuốn!

Em học sinh trong câu chuyện trên là Hồ Hữu Hạnh, còn có biệt danh là “Chim cánh cụt” vì em sinh ra đã không có hai tay. Lần ấy trong sinh hoạt hè trao giải Cây bút Tuổi Hồng của Hội đồng Đội Trung ương tổ chức tại Đồng Nai, Hạnh đã được mời từ nhà ở huyện xa về Nhà thiếu nhi Đồng Nai giao lưu với các bạn thiếu nhi các tỉnh và Đồng Nai, như một tấm gương vượt khó và hiếu học.  Hiện nay, Hạnh đã trở thành sinh viên Trường đại học Lạc Hồng.

3.

Cậu bé thập thò trước cửa phòng nghỉ mà các bạn ở Huyện đội Xuân Lộc dành cho “thầy Hải” nghỉ đêm sau buổi dạy “Viết nhật ký sinh hoạt và thư tay về cho cha mẹ” của lớp Học kỳ trong quân đội hè năm ấy.

- Có chuyện gì vậy em? - Tôi hỏi.

Cậu bé xuất hiện trong phòng với cuốn sách được tặng trên tay, miệng ấp úng:

- Thưa thầy... hồi nãy em trả lời đúng câu hỏi của thầy và được thầy tặng sách.

- Sách bị lỗi và em muốn đổi lại cuốn khác phải không?

- Thưa thầy không phải vậy. Mà là em trả lời được câu hỏi do năm ngoái em đã đi lớp Học kỳ trong quân đội rồi nên nhớ bài. Vậy em có đáng nhận sách tặng hay không ạ?

- Hay lắm! Sau một năm mà em vẫn nhớ, em hoàn toàn xứng đáng mà!

Cậu bé reo lên:

- Em cảm ơn thầy!

Rồi quay lưng “chạy” ra khỏi phòng, nói như khoe với những ai đó:

- Được nhận sách tặng rồi!

Đến lúc này tôi mới để ý là phía ngoài hành lang phòng còn có mấy cậu bé khác đứng đợi... kết quả!

Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh
Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh

4.

Buổi giao lưu và tặng sách chấm dứt. Ban tổ chức mời tôi đi dùng cơm trưa, nhưng tôi không thoát khỏi “vòng vây” của một nhóm học sinh cả nam lẫn nữ. Các em đưa những cuốn tập vở của mình để xin tôi chữ ký. Thầy Hiệu phó nhắc các học trò không làm phiền “thầy Hải” và nghĩ ra cách “giải cứu” khách:

- Thầy Hải chỉ ký tặng trên tập vở thôi. Những em nào đưa giấy sẽ không được ký tặng! Ký trên giấy rồi mấy em vứt đi mất à!

- Dạ không mất đâu thầy. Tại tụi em không có sẵn tập vở nên mới phải làm thế. Thầy ký rồi, về nhà tụi em cắt ngay ngắn rồi dán vào tập làm kỷ niệm chứ bộ...

Cả thầy hiệu phó và tôi cùng chịu thua trước lý lẽ của em học sinh kia. Và dĩ thiên, tôi phải nán lại ký tên đến em học sinh cuối cùng trong nhóm!

5.

- Thầy ơi! Thầy cho em xin chữ ký vào cuốn sách này ạ!

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe nam sinh đề nghị vì cuốn sách em đưa ra không phải là cuốn Khí phách Biên Hùng mà tôi vừa tặng 100 em học sinh được chọn của Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (H.Long Thành). Mà đó là cuốn Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (tập 3 & 4). Vừa ký tên, tôi vừa hỏi:

- Em giải thích cho thầy rõ đi. Vì sao em lại muốn thầy ký tên vào cuốn sách này?

- Thưa thầy, năm ngoái em được thầy tặng tập 1 &2 có chữ ký tác giả. Em về đọc xong thì tìm mua được tập tiếp theo nên xin thầy ký tên cho đủ bộ ạ.

- Sao lúc còn ở trong hội trường, em không đưa lên cho thầy ký?

- Dạ, em không được chọn trong 100 bạn vào hội trường. Vì vậy em đứng bên ngoài này mà chờ thầy...

6.

Hè năm ấy ở Trường THCS Tây Sơn, H.Định Quán, Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức Ngày hội tuổi thơ. Tôi cùng đi dự và tặng sách cho các em. Với 100 cuốn sách của mình đem theo, chỉ không đầy nửa giờ tôi đã tặng hết cho số học sinh đứng xếp hàng chờ đến lượt. “Cái đuôi” còn khoảng chục em không được nhận sách, thất vọng giải tán. Chợt từ xa có một nữ sinh chạy nhanh lại nơi tôi ngồi và đứng xếp hàng... một mình chờ nhận sách. Tôi nói:

- Tiếc quá, hết sách rồi em.

Em nữ sinh mở to mắt:

- Hết sách thật hả thầy?

- Nãy giờ em làm gì mà bây giờ mới đến?

- Em chơi mấy trò chơi có thưởng. Bạn em tụi nó nói sách có nhiều lắm, lúc nào nhận cũng được...

Em quay đi với nỗi thất vọng không giấu được trên nét mặt và nhất là đôi mắt rươm rướm nước mắt. Tôi quay sang nói với em tình nguyện viên giúp tôi ghi tên các học sinh nhận sách tặng:

- Cuốn sách thầy tặng em, em cho thầy xin lại để tặng em kia. Về, thầy sẽ gửi tặng em cuốn khác nhé!

Em nữ sinh được gọi quay lại để nhận sách với sự ngạc nhiên rồi òa thành niềm vui sướng. Em nhận sách, chạy về phía đám bạn và khoe:

- Mình có sách tặng rồi!

Năm học kế đó, tôi nhận được thư của em nữ sinh này gửi qua bưu điện về địa chỉ Nhà thiếu nhi. Trong thư em khoe là mình đã đọc hết sách được tặng, rất thích và muốn trở thành... nhà văn như tôi. Em gửi kèm hai bài thơ và một truyện ngắn chỉ một trang vở để tôi đọc thẩm định. Rất tiếc là em không phải là một học sinh có năng khiếu sáng tác nên tôi viết thư trả lời ngay rằng, tốt nhất là em nên đọc sách thêm trước khi muốn thành nhà văn. Kèm theo thư, tôi gửi tặng thêm cho em hai cuốn sách mới của mình.

Thế mà đã tròn 10 năm, tôi tặng sách của mình viết cho thiếu nhi, cho các em học sinh Đồng Nai. Sau quá trình làm việc nhiều năm ở nhiều nơi khác nhau, tôi nghỉ việc không lương hưu, may có các con chăm nuôi dưỡng già. May hơn là tôi được nhiều đơn vị mời đi chấm thi văn nghệ, nói chuyện văn học... nên được nhận tiền bồi dưỡng và để dành hầu như toàn bộ cho việc mua sách tặng học trò.

Những lần đi dự sinh hoạt với các em học sinh, nhất là các em ở các huyện vùng sâu, vùng xa, thấy các em thèm sách đọc mà không có điều kiện, tôi thương quá. Bốn, năm trăm cuốn sách tặng các em mỗi năm - thường là vào mùa hè - là đóng góp nhỏ nhoi của tôi vào việc khuyến đọc, vừa đáp ứng phần nào nhu cầu của các em, vừa giúp tôi có thêm vốn sống để viết gần gũi với lứa tuổi học sinh hơn, ngoài ra còn đem lại cho mình nhiều niềm vui nho nhỏ...

Mùa xuân này, kể lại những kỷ niệm quanh việc mình tặng sách, tôi ao ước sẽ có thêm nhiều người mến trẻ và có điều kiện tham gia việc mua sách thiếu nhi - không phải chỉ là sách của tôi - để tặng học sinh trong tỉnh. Nhiều cánh én, chắc chắn sẽ làm nên mùa xuân...

(Chuyện kể của nhà văn Nguyễn Thái Hải)

Tin xem nhiều