Báo Đồng Nai điện tử
En

"Covid-19 càng khiến ta tự hỏi: Chúng ta sống có vui không?"

01:12, 04/12/2020

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đánh dấu "năm Covid-19 - 2020" bằng tập sách thể loại tản văn Chúng ta sống có vui không? (SkyBooks và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành). Qua đó, anh sẻ chia nhiều câu chuyện có thể giúp mọi người chiêm nghiệm và đồng cảm trong giai đoạn đời sống có nhiều lo âu vì dịch bệnh.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đánh dấu “năm Covid-19 - 2020” bằng tập sách thể loại tản văn Chúng ta sống có vui không? (SkyBooks và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành). Qua đó, anh sẻ chia nhiều câu chuyện có thể giúp mọi người chiêm nghiệm và đồng cảm trong giai đoạn đời sống có nhiều lo âu vì dịch bệnh.

Nhà thơ Phong Việt nhận định “nhiều người đang học cách quay về với nội tâm, các giá trị yêu thương trong gia đình” trong sách tản văn
Nhà thơ Phong Việt nhận định “nhiều người đang học cách quay về với nội tâm, các giá trị yêu thương trong gia đình” trong sách tản văn

“Tôi đặt tựa cuốn sách mới nhất của mình Chúng ta sống có vui không? vì theo tôi, đó có lẽ là câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần hỏi mỗi khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài, hoặc lúc chúng ta nằm lên giường chuẩn bị thiếp đi. Câu trả lời của nó có thể giúp chúng ta biết mình hiện đang đối xử với bản thân và cuộc đời như thế nào” - nhà thơ Phong Việt chia sẻ với Đồng Nai Cuối tuần vào tuần đầu tiên của tháng cuối cùng năm 2020.

Mẫu số chung: sức khỏe, bình an

* Chúng ta sống có vui không? là tựa ấn phẩm tản văn tạo được sự chú ý, nhất là trong thời điểm năm 2020 nhiều biến động. Vậy thì theo anh, làm thế nào để chúng ta sống vui trong thời gian này?

- Đúng là năm 2020 tạo ra một bước ngoặt thay đổi rất lớn trong đời sống của mỗi chúng ta vì đại dịch Covid-19. Tôi tin là chưa bao giờ con người trong xã hội hiện đại lại phải học cách quay về với nội tâm của mình, những giá trị yêu thương trong gia đình và người thân yêu nhiều đến mức như vậy. Và tôi cũng tin, rất nhiều người trong thời gian qua - từ những ngày “stay home” (ở nhà) vì phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội rồi lại ra đường trở lại vòng xoay cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền - có nhiều lúc tự hỏi bản thân mình rằng: “Chúng ta sống có vui không?”.

Cá nhân tôi nghĩ mỗi con người có một lựa chọn và mục tiêu sống, nhưng tin chắc rằng vào thời điểm này sẽ có một mẫu số chung về niềm vui mà mọi người đang hướng tới, chính là sức khỏe, sự bình an của những người thân yêu và một công việc ổn định. Những mơ ước, khát khao vẫn còn đó trong nhiều người song phần lớn sẽ hướng suy nghĩ của mình đến sự hài lòng nhất có thể trong một đời sống đang có quá nhiều biến động lớn lao.

Tôi cho là lúc này chúng ta sống vui không khó. Hãy dành cho mình mỗi ngày ít thời gian vận động để cơ thể năng động hơn và khỏe mạnh hơn. Tiết kiệm lại những nhu cầu không cần thiết về vật chất lẫn tinh thần. Học cách chăm sóc những giá trị gần gũi nhất bên cạnh mình như con, anh em, cha mẹ, vợ chồng, người yêu… Bên cạnh đó hãy học cách thích nghi với những biến đổi của công việc theo thời gian. Hãy dành thời gian cho tất cả những điều đó thì niềm vui sẽ tự nhiên hiện hữu.

* Với quyết tâm cao độ của Chính phủ và người dân, Covid-19 bị đẩy lùi nhiều đợt, nhưng nguy cơ báo động vẫn cao. Cụ thể như trường hợp lây nhiễm cộng đồng tại TP.HCM từ ngày 30-11 mới đây, khiến tâm trạng mọi người không mấy dễ chịu. Trong bối cảnh “bình thường mới”, theo anh, làm thế nào để chúng ta “tâm an, sống an”?

- Tôi tin là câu chuyện về Covid-19 sẽ có những bất ngờ mà chúng ta không thể đoán trước, và đây là một tình huống mà chúng ta phải học cách bình tĩnh, ứng phó tốt nhất có thể. Trên thế giới sắp có vaccine, và Việt Nam dự kiến cũng trong năm 2021-2022. Nhưng dù như thế nào, ngay cả trong tình huống có vaccine thì không chắc mọi thứ sẽ bình ổn ngay được mà cần thêm thời gian để mọi người đều có kháng thể, rồi sự phục hồi về giao thông cũng như kinh tế trong nước và giữa các nước với nhau.

Rõ ràng cuộc sống đang đặt chúng ta vào những tình huống đầy bất trắc và rủi ro, nên để chúng ta có thể có tâm an, sống an… còn duy nhất mỗi cách là tự tạo ra sự bình tĩnh cho riêng bản thân. Luôn trong trạng thái thích nghi, thay đổi theo mọi thứ và hài lòng với những gì có thể.

Có thể xem, đây cũng là một giai đoạn cuộc đời mà ở đó chúng ta sàng lọc được những con người có tố chất, bản lĩnh về việc tìm ra những giải pháp tốt nhất để tồn tại cùng với nụ cười nở trên môi, thay vì là than thân trách phận và có thể sẽ chết mòn một cách nhanh chóng. Như trong tản văn tôi có viết: “Người nhiều tổn thương sẽ như lúa chín cúi đầu. Đủ bản lĩnh để nhìn thấu vào bên trong mình”. Trong cuộc đời về sau, khi mà nhìn lại chúng ta mới nhận ra mình đôi khi “cần biết ơn những tháng ngày tuyệt vọng đã trải qua trong đời”.

Niềm vui quanh ta

* Trong tản văn của anh, anh viết lời đầu có câu: “Chính niềm vui trong hiện tại đã góp phần tạo ra một bước ngoặt cực kỳ lớn cho tương lai”. Trong nhịp sống tấp nập hôm nay, những niềm vui đó là gì?

- Niềm vui ở đây mà tôi nói đến có cả hai nghĩa. Cá nhân tôi không đánh giá cao những niềm vui kiểu “tạm bợ”, giúp xoa dịu vết thương hoặc nỗi đau trong ngắn hạn. Bởi bạn phải cẩn trọng khi về lâu dài sẽ tạo ra thêm vết thương mới, dẫn đến những bi kịch lớn hơn.

Nhà thơ Phong Việt tích cực tham gia hiến máu nhân đạo trong nhiều năm qua
Nhà thơ Phong Việt tích cực tham gia hiến máu nhân đạo trong nhiều năm qua

Còn lại, những niềm vui tích cực, lạc quan thì lại là điều cực kỳ quan trọng góp phần giúp cho tương lai của chúng ta trở nên dễ sống hơn, dễ hạnh phúc hơn, dễ tha thứ hơn và dễ vui hơn. Cuộc đời thì có trăm vạn niềm vui nên không thể “áp” niềm vui người này vào người khác, nhưng rõ ràng, niềm vui quan trọng nhất của một con người chính là mình không cần phải phụ thuộc niềm vui vào bất cứ ai hay sự vật, sự việc nào khác ngoài chính mình. Mình vui là vì mình muốn, suy nghĩ mình cần và nội tâm mình tha thiết với nó…

Thế nên, càng gặp khó khăn thử thách, bạn trẻ nên càng có niềm vui từ những điều đơn giản nhất, cái gì cũng được. Đó là một ly cà phê sữa buổi sáng, một tô mì khi đói, nhận một tin nhắn hỏi thăm từ người thân, một lần choàng vai khi gặp bạn hữu trong quán xá… Tất cả những điều ấy đều là niềm vui.

* Anh có nhắc đến tứ “10 năm sau (phần lớn) chúng ta là một phiên bản tốt hơn của chính chúng ta… Chúng ta sẽ nhiều trải nghiệm hơn nhưng lại bớt đi những mối quan hệ vặt vãnh trong đời sống hơn, nhiều những thấu hiểu từ bên trong nhưng lại bớt đi những phù phiếm bên ngoài…” trong sách mới. Vậy để chuẩn bị cho “phiên bản tốt hơn”, hôm nay các bạn trẻ cần làm gì?

- Ai cũng sẽ mong muốn mình sẽ là một phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua, tốt hơn của 10 năm trước. Tuy nhiên, có nhiều người loay hoay không biết cách để làm sao cho mình tốt hơn, hoặc có khi họ quá an toàn trong vòng đời sống của mình rồi theo thời gian cứ cũ kỹ dần đi.

Một phiên bản tốt hơn chỉ có thể có khi chúng ta tiếp tục vượt lên chính mình, đọc - xem - nghe nhiều hơn, mở rộng sự tiếp nhận những khác biệt, giao tiếp nhiều hơn, học thêm nhiều kỹ năng và đặc biệt là phải nhận thức rõ được những giá trị của bản thân mình đang có, từ đó tiếp tục nâng tầm các giá trị ấy lên, tránh cảnh “ếch ngồi đáy giếng” rất nguy hại cho chính mình (bị tụt hậu) và cả đơn vị, cơ quan, tổ chức nơi bạn làm việc, cống hiến.

Có rất nhiều người khi bước lên đỉnh vinh quang thường vội hài lòng ở vị trí ấy (chúng ta hay nghe cụm từ “ngủ quên trên chiến thắng”). Song, con người ai cũng có một thời, vậy thì nếu không muốn để mình tuột dốc, hãy tạo ra những ngọn núi khác để tiếp tục leo lên. Giỏi hơn chính mình, với tôi cũng là một dạng tài năng rồi.

* Xin cảm ơn anh!

Triệu Vân (thực hiện)

Tin xem nhiều