Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Đức Soát: Nhật ký phi công tiêm kích

11:12, 18/12/2020

Lịch sử ghi nhận trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những trận chiến vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Người phi công Nguyễn Đức Soát viết nhật ký từ năm 1966 (lúc sang Liên Xô học bay) cho đến khi ngừng viết ngày 31-12-1972, tức 1 ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Ông viết nhật ký là “sự trải lòng trước diễn biến thời cuộc”. Suốt những năm tháng chiến tranh ông “mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình, đút vào túi áo ngực bên trái... một mặt để tiện ghi chép, song chủ yếu là nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi đi theo tôi”.

Sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi đọc lại những trang giấy ố vàng của nhật ký, Anh hùng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, ông “bỗng như được sống lại cùng đồng đội với tràn trề khát vọng trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc”.

Bởi những trang nhật ký của ông đã “mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường đại học”. Bản thân Nguyễn Đức Soát trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay chiến đấu của Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.

Chính vì vậy, trung tướng Nguyễn Đức Soát quyết định công bố nhật ký của mình “với mong muốn nhiều bạn trẻ có thể biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh”.

Đó là cuộc đời của những chàng trai giàu tình cảm, có ý chí phấn đấu, “yêu bầu trời trong xanh”, kiên định vững vàng, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu. Đặc biệt, như nhà thơ Hữu Việt bình luận: “Thế giới nội tâm của phi công tiêm kích hiện ra thành thật và thẳng thắn, riêng tư và xao xuyến, nghiệt ngã và ngời sáng”. Trung tướng Nguyễn Đức Soát “sinh ra để thuộc về bầu trời”, có “chiến công và cuộc đời đầy tự hào”, tiêu biểu cho một thế hệ tuyệt đẹp “mang khát vọng thiên thanh”.

Và đọng lại sau những trang nhật ký của một anh hùng, thế hệ trẻ ngày nay có thể rưng rưng đầy cảm động và tự hào khi nghe người anh hùng phi công trải lòng về tình đồng chí, đồng đội thương yêu nhau, về nỗi mất mát và thương tiếc bao đồng đội “thông minh, ưu tú” đã hy sinh trong chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ “bầu trời luôn trong xanh trên quê hương thân yêu, một bầu trời không vấy bẩn vì bom đạn giặc”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (sinh năm 1946, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam), nhập ngũ năm 1965. 23 ngày sau ông cùng 58 học viên lên tàu hỏa sang Liên Xô (cũ) học lái máy bay chiến đấu. Năm 1968, ông tốt nghiệp Trường Không quân Krasnodar về nước, gia nhập Trung đoàn không quân 921 anh hùng.

Tác phẩm Nhật ký phi công tiêm kích của ông do NXB Trẻ ấn hành tháng 12-2020.

Bửu Long

Tin xem nhiều