Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ''người hùng'' gác chắn cứu người

08:08, 21/08/2020

Câu chuyện cứu người đầy dũng cảm của nhân viên gác chắn đường tàu tại km1696+458 (gần khách sạn Đồng Nai), đoạn giao với đường Phạm Văn Thuận, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vào cuối tháng 7 vừa qua đã thực sự làm ấm lòng người trong những ngày dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.

Câu chuyện cứu người đầy dũng cảm của nhân viên gác chắn đường tàu tại km1696+458 (gần khách sạn Đồng Nai), đoạn giao với đường Phạm Văn Thuận, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vào cuối tháng 7 vừa qua đã thực sự làm ấm lòng người trong những ngày dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.

Phía sau những chuyến tàu thông suốt là sự làm việc cần mẫn của các nhân viên gác chắn Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Minh làm nhiệm vụ tại gác chắn Hãng Dầu trên đường Nguyễn Thành Phương (thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Dương
Phía sau những chuyến tàu thông suốt là sự làm việc cần mẫn của các nhân viên gác chắn Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Minh làm nhiệm vụ tại gác chắn Hãng Dầu trên đường Nguyễn Thành Phương (thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Dương

Vào trưa 28-7, ông Trần Văn Năm (49 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã cứu một người đàn ông thoát chết trong gang tấc, ngay trước mũi đoàn tàu đang rầm rầm lao tới.

* Không sợ hiểm nguy

Nhớ lại vụ việc, ông Năm kể, hôm đó ông được phân công trực tại trạm gác chắn số 19. Đến khoảng 12 giờ 27, sau khi vào Ga Biên Hòa đón, trả khách, tàu SE22 từ Ga Sài Gòn đi Ga Trà Kiệu (Quảng Nam) tiếp tục chạy về gác chắn 19. Lúc này, ông cùng đồng nghiệp thực hiện thao tác kéo barie đóng chắn và ra hiệu lệnh cho tàu qua.

Đồng Nai hiện có 71 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong đó, 32 vị trí được ngành Đường sắt tổ chức có người gác chắn. Mỗi ngày, mỗi giờ có hàng trăm nhân viên gác chắn thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Vào những ngày lễ, Tết, những người trực gác chắn tàu phải làm việc hết công suất nhưng lúc nào cũng phải giữ cho mình sự tỉnh táo, bởi một chút sơ sẩy cũng có thể dẫn đến tai họa bất ngờ.

Tuy nhiên, khi tàu còn cách 15m thì một người đàn ông trung niên bất ngờ vượt rào chắn, đi vào mép đá cạnh đường ray với ý định băng qua đường ngang, trong khi con tàu đang lao đến rất gần. Ngay lập tức, ông Năm liền lao tới ôm ngang bụng rồi dùng sức đẩy mạnh người đàn ông này ra ngoài. Rất may, cả 2 người đã thoát khỏi mũi tàu hỏa chỉ trong tích tắc.

“Khi phát hiện người đàn ông cố băng qua đường ray, trong lúc tàu hỏa đang đổ dốc lao về phía trước với tốc độ cao, nếu tôi không kịp thời kéo đẩy ra thì người đàn ông này chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Trách nhiệm của tôi không chỉ là trực gác mà còn bảo vệ an toàn cho đoàn tàu cùng người dân và các phương tiện đi qua đường ray. Thấy người khác gặp nạn mà không ra tay cứu giúp thì vừa tội người ta mà lương tâm mình cũng không yên” - ông Năm bộc bạch.

Theo ông Năm, người đàn ông này lúc đó có dấu hiệu say xỉn, không được tỉnh táo. Sau khi được cứu, người đàn ông đã rời khỏi hiện trường, mọi thông tin về nhân thân đều không rõ. Xong việc, ông Năm quay lại với công việc trực gác chắn như thường lệ. Sự việc sau đó được nhiều người biết đến là nhờ các thành viên tàu SE22 kể lại trên mạng xã hội nên ông Năm đã nhận được nhiều lời động viên, tán thưởng hành động đẹp của cộng đồng mạng.

Với hành động dũng cảm cứu người, ông Trần Văn Năm (giữa) và tổ trực gác chắn được ngành Đường sắt biểu dương
Với hành động dũng cảm cứu người, ông Trần Văn Năm (giữa) và tổ trực gác chắn được ngành Đường sắt biểu dương

Đây không phải lần đầu nhân viên gác chắn trên địa bàn TP.Biên Hòa bất chấp nguy hiểm lao tới cứu người ngay trước mũi tàu hỏa. Trước đó, vào ngày 12-2-2019, trong khi đang làm nhiệm vụ tại trạm gác chắn Hãng Dầu trên đường Nguyễn Thành Phương (thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa), 2 nữ nhân viên gác chắn đã phát hiện một cụ bà cố vượt rào chắn, bất ngờ vấp té nằm trên đường ray khi đoàn tàu đang lao tới.

Chị Nguyễn Thị Minh (35 tuổi), là một trong 2 nhân viên gác chắn đã dũng cảm băng ra cứu bà cụ ra khỏi đường ray cho hay, khi đến giữa đường tàu thì bà cụ bị vấp té nằm ngang đường. Lúc này, người đi đường hai bên nghe tiếng còi tàu hú rất gần nhưng không ai dám lao ra.

Đang đứng giơ cờ hiệu cảnh giới cạnh gác chắn, chị Minh nhìn lại thấy bà cụ nằm sấp trên đường tàu đã vội vã vất bỏ cờ hiệu lao ra cố sức kéo bà cụ. Tuy nhiên, do sức yếu và bà cụ lại bị ngã đập mặt xuống đường tàu nên phải gọi đồng nghiệp hỗ trợ. Nghe tiếng hô cứu, chị Đỗ Thị Lan (31 tuổi) đứng phía đối diện đã vội chạy đến để cùng chị Minh kéo bà cụ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ trong tích tắc, cả 3 người vừa thoát ra khỏi đường ray thì đoàn tàu lao đến.

“Tàu khi đó chỉ cách vài chục mét, chúng tôi chỉ biết kéo bà ra xa nhất có thể. May mắn là tất cả không hề hấn gì. Tàu chạy qua rồi mới biết mình còn sống, giờ nghĩ lại vẫn còn run” - chị Lan rùng mình khi nhớ lại giây phút đó.

* Phía sau những chuyến tàu

Công việc chính của những người gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt. Nghe qua tưởng công việc đơn giản, nhưng nhân viên gác chắn đường tàu phải chịu áp lực về thời gian và những quy định nghiêm ngặt trong nghề.

Mỗi nhân viên gác chắn phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng. Khi đã “lên ban” thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ. Công việc càng thêm phần nhọc nhằn khi vào các dịp lễ, Tết tàu tăng chuyến. Vất vả là thế nhưng họ vẫn rất lạc quan, làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm đối với công việc mình đã gắn bó.

“13 năm làm nghề gác chắn cũng là chừng ấy thời gian tôi đón Tết xa nhà. Đến khi lấy chồng làm cùng ngành thì những lần xa nhà nhiều hơn nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê càng thấm thía. Dù buồn, nhưng lúc nào cũng dằn lòng, mình phải quên đi niềm vui của bản thân để đem lại sự an toàn cho mọi người” - chị Minh tâm sự.

Hiện ở TP.Biên Hòa có 3 chốt đường ngang phức tạp và nguy hiểm nhất là: gác chắn đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp), gác chắn đường Võ Thị Sáu (P.Quyết Thắng) và gác chắn số 19 (đường Phạm Văn Thuận, P.Thống Nhất).

Vào ban đêm, những tuyến đường này lúc nào cũng đông đúc phương tiện qua lại, các cửa hàng, quán nhậu hoạt động tấp nập. Nhiều người chủ quan chạy nhanh, vượt ẩu; một số khác bất chấp nguy hiểm vẫn cố lách qua rào chắn, trong khi tiếng còi tàu càng lúc càng gần. Vì vậy, khi làm ca đêm, những nhân viên gác chắn phải thức trắng để canh tàu, đảm bảo cho khu vực mình quản lý được an toàn.

Đến nay, ông Năm đã làm nghề gác chắn gần 30 năm, từng thuyên chuyển qua nhiều chốt chắn đường ngang dân sinh ở TP.Biên Hòa và chứng kiến nhiều vụ tai nạn giữa tàu hỏa với người đi đường. Khi làm nhiệm vụ tại những vị trí này, ông và đồng nghiệp đều nhắc nhau cẩn thận, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm khi trực gác.

Ông Năm tâm sự, làm nghề gác chắn không chỉ vất vả mà còn thường xuyên đối diện với nguy hiểm. Nhiều đêm trực gác, có người đi nhậu về say rượu cố tình vượt rào chắn bị ông nhắc nhở còn quay lại chửi bới, dọa đánh, thậm chí điều khiển xe máy đâm thẳng vào nhân viên gác chắn.

Chúng tôi chỉ mong rằng, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông tốt lên. Từ đó, sẽ hạn chế những tai nạn đường sắt và công việc của những người làm nghề gác chắn bớt vất vả hơn” - ông Năm chia sẻ.          

Hoàng Dương

 

Tin xem nhiều