Báo Đồng Nai điện tử
En

TS-BS Nguyễn Anh Dũng: Phẫu thuật tim có sự cuốn hút kỳ lạ đối với tôi

05:07, 11/07/2020

Cách đây 16 năm, TS-BS Nguyễn Anh Dũng thực hiện ca mổ tim hở đầu tiên trong sự nghiệp phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân của mình. Vài năm sau đó, khi đang công tác tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, ông quyết định "đầu quân" về Đồng Nai.

 TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Cách đây 16 năm, TS-BS Nguyễn Anh Dũng thực hiện ca mổ tim hở đầu tiên trong sự nghiệp phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân của mình. Vài năm sau đó, khi đang công tác tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, ông quyết định “đầu quân” về Đồng Nai.

Đến nay, sau gần 4 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, TS-BS Nguyễn Anh Dũng đã có đóng góp lớn đưa ngành Ngoại lồng ngực - tim mạch của bệnh viện nói riêng và của ngành Y tế Đồng Nai nói chung lên một tầm cao mới.

Duyên nợ với Đồng Nai

* Lý do nào khiến ông quyết định về làm việc tại một bệnh viện tuyến tỉnh khi đang có công việc tốt ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM?

- Năm 2004, tôi bắt đầu thực hiện ca mổ tim hở đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Đó là một bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, vì nhiều lý do nên chưa được phẫu thuật. Tiếp đó là những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.

3 năm sau, tôi chuyển sang công tác tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, đi học tiến sĩ chuyên ngành Ngoại lồng ngực tim mạch. Trong thời gian làm việc tại đây, rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch từ các tỉnh, thành phải lặn lội về TP.HCM điều trị, trong đó có những người bệnh từ Đồng Nai. Nhiều trường hợp trong đó mắc các bệnh không quá khó, không quá nặng nhưng qua tìm hiểu, tôi biết họ phải đi một quãng đường khá xa, phải chờ đợi lâu, tốn nhiều tiền của, gặp nhiều khó khăn về chỗ ăn, ở trong khi chờ đến lượt được điều trị.

Thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới cũng đã đi vào hoạt động nhưng chưa có chuyên khoa về ngoại tim mạch. Với mong muốn sẽ gây dựng chuyên ngành này tại Đồng Nai, giúp người dân trong tỉnh có cơ hội được điều trị, không phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc lên các bệnh viện ở TP.HCM, tôi đã chủ động liên hệ, trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khi đó là TS-BS Phan Huy Anh Vũ (nay là Giám đốc Sở Y tế) và BS Ngô Đức Tuấn (hiện là Giám đốc bệnh viện). Và năm 2016, tôi về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho đến nay.

* Điều gì khiến ông trăn trở khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai?

Sau 2 năm triển khai phẫu thuật tim hở, đến nay Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được hơn 40 ca phẫu thuật tim hở, trong đó có 2 ca trẻ em, phẫu thuật điều trị thành công hơn 100 trường hợp hẹp động mạch cảnh; thực hiện được kỹ thuật bắc cầu động mạch vành - một kỹ thuật khó trong điều trị bệnh tim.

- Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị, máy móc tốt cộng với số lượng bệnh nhân lớn là những yếu tố thuận lợi giúp các bác sĩ nói chung và bản thân tôi nói riêng có cơ hội phát huy năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, do là chuyên ngành mới nên lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện tốt để chúng tôi phát triển chuyên ngành rất khó này. Cũng bởi là chuyên ngành mới nên thời gian đầu, đội ngũ nhân lực còn thiếu và yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm như đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Để khắc phục vấn đề này, trong những năm qua, lãnh đạo bệnh viện đã cử nhiều bác sĩ đi đào tạo ở các bệnh viện lớn, thực hiện chương trình hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy và đào tạo tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực chuyên ngành ngoại lồng ngực - tim mạch.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng (bìa trái) cùng ê kíp bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật tim cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
TS-BS Nguyễn Anh Dũng (bìa trái) cùng ê kíp bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật tim cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Đến nay, chúng tôi đã có được đội ngũ bác sĩ đủ đáp ứng yêu cầu. Ngoài tôi là phẫu thuật viên chính còn có thêm 7 phẫu thuật viên khác thường xuyên tham gia thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật liên quan đến bệnh mạch máu. Hy vọng, trong một vài năm nữa, những phẫu thuật viên này có thể thực hiện được các phẫu thuật chuyên sâu tim mạch. Đặc biệt là các phẫu thuật điều trị hẹp động mạch cảnh, hẹp động mạch vành…

Không được phép sơ sẩy

* Những yêu cầu cần có đối với một phẫu thuật viên tim mạch là gì, thưa ông?

- Phẫu thuật tim mạch nói riêng và các chuyên ngành ngoại khoa nói chung đòi hỏi tính chính xác cao. Khi thực hiện  phẫu thuật tim mạch, các thao tác kỹ thuật phải được thực hiện chính xác, mức độ phải đạt gần như tuyệt đối, bởi đôi khi chỉ một sai sót nhỏ có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.  Ví dụ như: khi phẫu thuật điều trị hẹp, tắc động mạch cảnh hay động mạch vành, thay vì làm thông động mạch thì chỉ sai sót nhỏ có thể gây tắc động mạch gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Để trở thành một phẫu thuật viên tim mạch giỏi, theo tôi về mặt lý thuyết, bác sĩ phải nắm chắc các bệnh lý về tim mạch, nắm chắc nguyên tắc điều trị từ điều trị nội khoa đến phòng ngừa, thủ thuật, phẫu thuật, can thiệp để có thể lựa chọn được phương pháp, kỹ thuật điều trị phù hợp nhất cho từng người bệnh.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng (bìa trái) cùng ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được lãnh đạo Sở Y tế khen thưởng đột xuất vì có thành tích thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành đầu tiên tại Đồng Nai vào tháng 5-2019
TS-BS Nguyễn Anh Dũng (bìa trái) cùng ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được lãnh đạo Sở Y tế khen thưởng đột xuất vì có thành tích thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành đầu tiên tại Đồng Nai vào tháng 5-2019

Về mặt thực hành, phẫu thuật viên phải có thời gian đào tạo chuyên ngành từ 3-5 năm trở lên ngoài thời gian được đào tạo trên giảng đường.

Ngoài trình độ tay nghề, phẫu thuật viên tim mạch rất cần sự khéo léo, năng khiếu về thực hành các kỹ thuật y khoa. Đặc biệt, phải thực sự đam mê, rèn luyện, có sức khỏe, khả năng chịu đựng tốt vì so với các phẫu thuật ngoại khoa khác, một ca phẫu thuật tim thường kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, có khi lên đến 10 giờ đồng hồ, cá biệt có những ca phẫu thuật kéo dài từ ngày này sang ngày khác.

* Lý do nào khiến ông theo đuổi chuyên ngành phẫu thuật tim mạch?

- Tim mạch đối với bác sĩ nói chung là một lĩnh vực khá hay. Hay cả về mặt bệnh lý lẫn tư duy logic. Đây là lĩnh vực rất cuốn hút đối với bác sĩ ngoại khoa. Nếu bác sĩ nắm vững những lý luận về tim mạch sẽ đưa ra được những biện pháp, kỹ thuật điều trị đúng và đem lại kết quả tốt.

Ví dụ, nếu bác sĩ tim mạch quyết định dùng thuốc đúng, điều chỉnh liều thuốc đúng hoặc áp dụng các biện pháp thủ thuật, phẫu thuật phù hợp sẽ mang lại kết quả sớm, thậm chí tức thì cho bệnh nhân. Những kết quả tức thì này như một “ma lực” rất lạ, cuốn hút bác sĩ tim mạch. Dĩ nhiên, khi bác sĩ tim mạch đã quyết định làm thủ thuật hay phẫu thuật thì phải đảm bảo khả năng thành công gần như tuyệt đối. Bởi việc thực hiện phẫu thuật hay thủ thuật không thể tiến hành lại như việc cho thuốc điều trị nội khoa thông thường.

* Với ông, người bệnh có vai trò như thế nào trong sự nghiệp của mình?

- Tôi học đại học ở Trường đại học Y Hà Nội, học sau đại học ở Trường đại học Y dược TP.HCM, chúng tôi luôn được các thầy nhắc về vai trò của người bệnh đối với nghề nghiệp của mình. Nhờ có người bệnh mà bác sĩ học được nghề, nhờ có người bệnh mà bác sĩ trở nên giỏi hơn. Với tôi, bệnh nhân cũng chính là những người thầy, luôn đưa ra những “bài toán” hóc búa với nhiều “dạng” khác nhau để bác sĩ nghiên cứu, đưa ra “lời giải” cho những “bài toán” đó.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

TS-BS Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội năm 1992 chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Từ 1993-1996, ông làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). 10 năm sau đó, ông làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Thời gian làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, BS Dũng được cử đi học chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực, tim mạch. Năm 2004, ông thực hiện ca mổ tim đầu tiên. Từ năm 2007, ông chuyển sang công tác tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, học tiến sĩ chuyên ngành ngoại lồng ngực tim mạch. Năm 2016, ông về làm việc tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho đến nay.

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều