Ngay sau khi Chính phủ đồng ý phương án cho các trường đại học tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, nhiều trường đại học trong cả nước đã lên phương án tăng học phí ngay cho năm học 2023-2024.
Ngay sau khi Chính phủ đồng ý phương án cho các trường đại học tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, nhiều trường đại học trong cả nước đã lên phương án tăng học phí ngay cho năm học 2023-2024.
Theo lý giải của các trường đại học, việc tăng học phí là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là với những trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Vì chỉ tăng học phí, các trường mới có điều kiện để mời giảng viên giỏi; trang bị thêm điều kiện về cơ sở vật chất; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… Việc học phí tăng không đáng kể thời gian qua, đặc biệt là 2 năm dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều trường lao đao, gặp khó khăn thực sự.
Chính vì vậy, khi được phép, hàng loạt trường đã lên phương án tăng học phí. Có trường chỉ tăng nhẹ, ở mức 10-15% so với mức học phí cũ. Nhưng cũng có trường, “nhảy vọt” một lúc gấp đôi, khiến không ít phụ huynh và sinh viên “choáng váng”. Nhiều gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lo lắng vì với mức học phí tăng cao, điều kiện hiện tại liệu có “gánh” nổi hay không? Đặc biệt, với những gia đình năm nay con mới vào đại học, dự định học những ngành đào tạo thời gian dài như y dược, nhưng với mức học phí tăng cũng phải đắn đo, suy nghĩ, thậm chỉ điều chỉnh lại nguyện vọng cho phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Lộ trình tăng học phí đã được báo trước và đây là điều kiện tất yếu để các trường phát triển. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào cho phù hợp, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người học là điều cần phải tính toán kỹ lưỡng. Bởi không phải gia đình sinh viên nào theo học đại học cũng khá giả. Rất nhiều em trong số đó đến từ những vùng quê nghèo, gia đình phải chắt bóp, tằn tiện lắm mới được theo học đại học. Nếu với mức học phí tăng quá cao so với mặt bằng thu nhập, đặc biệt là ở vùng nông thôn, cơ hội học tập của các em sẽ thu hẹp lại. Điều này đi ngược lại với mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao mặt bằng dân trí cho người dân, kéo gần khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn.
Một băn khoăn nữa, liệu khi tăng học phí có đi liền với việc gia tăng chất lượng đào tạo hay đây vẫn là câu chuyện dài kỳ mà dù mức học phí tăng, giáo dục đại học vẫn chưa thay đổi được?
Nguyễn Phượng