Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng trách nhiệm của người lớn, giảm đuối nước ở trẻ em

07:05, 24/05/2023

Chưa đến hè nhưng trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Đây là hồi chuông cảnh báo về gia tăng tình trạng đuối nước trẻ em khi mùa hè đến. Qua đó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả hơn nữa của các cấp, các ngành, gia đình trong việc phòng ngừa đuối nước ở trẻ em.

Chưa đến hè nhưng trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Đây là hồi chuông cảnh báo về gia tăng tình trạng đuối nước trẻ em khi mùa hè đến. Qua đó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả hơn nữa của các cấp, các ngành, gia đình trong việc phòng ngừa đuối nước ở trẻ em.

Từ các vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cho thấy, phần lớn nạn nhân từ 10-16 tuổi, tự ý đi tắm sông, hồ mà không có sự giám sát, nhắc nhở của người lớn. Trong khi ở độ tuổi này, trẻ rất hiếu kỳ, thích khám phá điều mới lạ, ưa mạo hiểm nhưng thiếu kỹ năng sống, chưa lường trước những rủi ro, nguy hiểm  khi vui chơi, bơi lội, nghịch nước tại những khu vực không đảm bảo an toàn.

Đồng Nai có hệ thống sông, hồ khá nhiều với nhiều địa điểm nổi tiếng, được đông đảo người dân tìm đến vui chơi giải trí, trong đó có bơi lội như: hồ Trị An (trải dài qua 4 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán); hồ Đa Tôn (H.Tân Phú); hồ Gia Măng, hồ Núi Le, hồ Gia Ui (H.Xuân Lộc)... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều công trình xây dựng và các mỏ đá khai thác quy mô lớn thường xuất hiện các hố nước, hầm đá rất sâu. Đây cũng là mối nguy hiểm với trẻ em khi bất chấp nguy hiểm đến vui chơi tại khu vực này.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm, triển khai hàng loạt giải pháp hiệu quả để phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ, nhất là vào thời điểm nghỉ hè.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích ở trẻ, đặc biệt là khu vực các hố công trình, hồ nước, sông ngòi, đập nước thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước để rào chắn, cắm biển cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em. Đồng thời, xử lý nghiêm các chủ công trình không thực hiện các biện pháp che đậy, rào chắn, gắn biển báo tại các hố công trình dẫn đến trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước.

Để kéo giảm số trẻ em tử vong do đuối nước, một trong những giải pháp được nhiều người trông đợi nhất là Đề án phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 sớm được triển khai thực hiện. Có như vậy mới ngày càng có nhiều trẻ em biết bơi an toàn, biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Song song đó, vai trò của gia đình trong phòng ngừa đuối nước cho trẻ rất quan trọng. Gia đình cần thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ tránh vui chơi ở sông, hồ, hố nước ở các công trình xây dựng, hầm đá không đảm bảo an toàn; cho trẻ học bơi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cần nắm kỹ năng sơ cấp cứu khi xảy ra đuối nước. Hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng ngừa cũng như cách xử trí khi bị đuối nước.

Một khi trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhà trường, gia đình càng nâng cao bằng các việc làm hiệu quả, thiết thực thì chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể các vụ đuối nước ở trẻ em, tạo môi trường an toàn để trẻ đón một mùa hè lành mạnh, ý nghĩa, an toàn.                

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều