Từ nhiều năm trước, trong xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) của tỉnh đã gặp nhiều khó khăn ở khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý. Tỉnh đã nhiều lần phải dời mục tiêu đưa tỷ lệ chôn lấp RTSH về dưới 15% để bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất chôn lấp rác. Đồng Nai cũng quy hoạch 9 khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh để đưa tất cả RTSH, công nghiệp, y tế về các khu trên để xử lý theo đúng quy định và kiểm soát được chặt chẽ.
Từ nhiều năm trước, trong xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) của tỉnh đã gặp nhiều khó khăn ở khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý. Tỉnh đã nhiều lần phải dời mục tiêu đưa tỷ lệ chôn lấp RTSH về dưới 15% để bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất chôn lấp rác. Đồng Nai cũng quy hoạch 9 khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh để đưa tất cả RTSH, công nghiệp, y tế về các khu trên để xử lý theo đúng quy định và kiểm soát được chặt chẽ.
Sau khi những khu xử lý chất thải được quy hoạch đã thu hút nhiều nhà đầu tư triển khai dự án, xây dựng các nhà máy xử lý rác thành phân bón, vật liệu xây dựng. Một số chủ đầu tư dự kiến sẽ xử lý rác thành điện. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều vướng mắc về chính sách dẫn đến việc xử lý RTSH đang bị ách tắc. Đơn cử, DN bỏ ra từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng đầu tư nhà máy xử lý RTSH, nhưng hàng năm đều phải tham gia đấu thầu xử lý rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đấu thầu, DN nào bỏ thầu thấp nhất sẽ trúng thầu, điều này đã dẫn đến nghịch lý là nhà máy tại địa phương không trúng thầu, nhà máy ở xa trúng thầu. Do đó, RTSH đã phải vận chuyển một quãng đường rất xa để về nơi xử lý, mất nhiều thời gian, công vận chuyển và quá trình vận chuyển gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề trên chưa kịp lắng xuống thì gần đây lại xảy ra tình trạng chủ đầu tư các nhà máy xử lý rác tại Đồng Nai “né” tham gia đấu thầu vì “chê” đơn giá xử lý rác quá thấp. Theo các DN thì với đơn giá xử lý RTSH mà tỉnh đưa ra nếu trúng thầu họ sẽ bị thua lỗ vì thế không tham gia. Một số DN tham gia đấu thầu xử lý rác nhưng bỏ giá cao hơn giá quy định của tỉnh nên cũng không thành công. Hiện nhiều địa phương trong tỉnh như: Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Long Khánh… đang lo lắng sẽ không tìm được nhà máy tiếp nhận xử lý RTSH. Và chỉ cần vài ngày RTSH không được thu gom, xử lý sẽ ùn ứ tại các tuyến đường gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Ngoài đơn giá xử lý RTSH thấp thì nhiều DN cho biết họ gặp khó khăn vì các địa phương đang nợ tiền xử lý rác từ năm trước chưa thanh toán. Vì vậy, một số DN gặp khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, trả công lao động…
Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 2,1 ngàn tấn RTSH. Số lượng rác trên đa số được đưa về Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất), khu xử lý chất thải ở các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Vĩnh Cửu. Hiện vẫn còn 5 khu đang tạm dừng hoặc chưa đầu tư xong nhà máy xử lý chất thải để đưa vào hoạt động. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan phải rà soát lại, đề xuất tỉnh hướng xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho DN, không để tình trạng RTSH không được thu gom, xử lý.
Khánh Minh