Với trữ lượng hơn 2,9 tỷ m3 đá, Đồng Nai có lượng đá xây dựng lớn nhất vùng Đông Nam bộ. Đến nay, tỉnh đã cấp 32 giấy phép khai thác đá xây dựng với trữ lượng hơn 384 triệu m3 cho các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với trữ lượng hơn 2,9 tỷ m3 đá, Đồng Nai có lượng đá xây dựng lớn nhất vùng Đông Nam bộ. Đến nay, tỉnh đã cấp 32 giấy phép khai thác đá xây dựng với trữ lượng hơn 384 triệu m3 cho các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp đã khai thác khoảng 90 triệu m3, số còn lại đang được tiếp tục khai thác trong những năm tới. Thời gian khai thác của mỗi mỏ trung bình 10-15 năm, có một số mỏ hơn 20 năm. Các mỏ khai thác đá chủ yếu ở TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu. Đá khai thác ra, một phần tiêu thụ trong tỉnh, còn lại phần lớn được vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác trong khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Khai thác khoáng sản tại Đồng Nai nhiều năm qua đã trở thành vấn đề “nóng” vì nhiều người dân chưa đồng thuận. Một số ý kiến cho rằng, số tiền tỉnh thu được từ khai thác khoáng sản (khai thác đá) sẽ không bù đắp được vấn đề ô nhiễm môi trường. Bởi quá trình khai thác đá, lượng bụi phát sinh rất lớn, bao phủ nhiều nhà cửa, cây trồng trong khu vực gần mỏ đá, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, năng suất, chất lượng cây trồng của người dân. Bên cạnh đó, các xe chở đá có tải trọng lớn còn gây hư hỏng một số tuyến đường giao thông trong tỉnh, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khi lưu hành qua những khu vực này.
Thực tế, thời gian qua đã có những trường hợp người dân bị thiệt mạng do xe chở đá gây tai nạn. Ngoài ra, khai thác đá còn để lại hàng loạt hệ lụy cho môi trường, vì sau khi đóng cửa mỏ, công tác hoàn nguyên, cải tạo môi trường thường chỉ được thực hiện qua loa như: lập hàng rào dây thép gai, trồng cây xung quanh mỏ. Do đó, các mỏ khai thác đá xong hầu hết để lại những hố sâu hun hút từ 60-100m, rất nguy hiểm. Những năm trước, tại các mỏ đá đã đóng cửa ở TP.Biên Hòa đã xảy ra những vụ việc thương tâm là trẻ em vào khu vực mỏ đá chơi và bị đuối nước. Mặc dù sau khai thác khoáng sản, TP.Biên Hòa và một số huyện đưa ra giải pháp sẽ khai thác các mỏ đá trên thành khu du lịch. Thế nhưng, Đồng Nai có nhiều khu vực ven sông, hồ, thác, rừng phong cảnh rất đẹp, đất đai bằng phẳng và đã quy hoạch các dự án du lịch nhưng cũng chưa mời gọi được doanh nghiệp đầu tư. Như vậy, liệu có doanh nghiệp nào bỏ vốn cải tạo các mỏ đá trên thành khu du lịch?
Khai thác khoáng sản, mỗi năm sẽ cho tỉnh tăng thu ngân sách thêm vài trăm tỷ đồng, nhưng những mỏ đá sau khai thác sẽ khiến tỉnh mất đi cả ngàn ha đất không thể sản xuất, kinh doanh. Và khai thác đá còn gây sụt giảm, ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Chính vì những vấn đề trên mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế đến mức thấp nhất khai thác khoáng sản, vì đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Do đó, Đồng Nai cũng cần rà soát, tính toán lại những cái được và mất trong khai thác mỏ đá để hạn chế cấp phép. Bởi, giữ lại tài nguyên cho tương lai cũng là góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Hương Giang