Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy là điểm tựa cho con trẻ...

03:04, 18/04/2022

Hãy là điểm tựa cho con trẻ... Mặc dù chưa phải là cao điểm mùa thi nhưng thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra một số vụ học sinh tự tử do không chịu được áp lực trong học tập và cuộc sống.

Hãy là điểm tựa cho con trẻ... Mặc dù chưa phải là cao điểm mùa thi nhưng thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra một số vụ học sinh tự tử do không chịu được áp lực trong học tập và cuộc sống. Những lá thư tuyệt mệnh để lại cho thấy, các em khá bí bách, không biết tâm sự với ai nỗi niềm riêng nên tìm đến giải pháp giải quyết tiêu cực. Nhiều em trong số đó để lại lời xin lỗi vì đã không đáp ứng được sự tin yêu, kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình, nhất là cha mẹ.

Theo các chuyên gia tâm lý, sức ép từ người thân chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em tìm đến cái chết để giải tỏa bức xúc dồn nén trong người.

Không ít bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào con, đặt ra những mục tiêu cao vời vợi mà không cần biết khả năng của con mình đến đâu, con có thích những điều đó hay không… Chính từ sự áp đặt của cha mẹ, nhiều trẻ không còn tuổi thơ khi tất cả thời gian trong ngày đều phải tập trung cho học tập. Trẻ không có không gian với bạn bè và sống với sở thích riêng. Nhiều em bị cha mẹ kiểm soát khá chặt chẽ, luôn có cảm giác cuộc sống ngột ngạt, khó chịu, dẫn đến trầm cảm, stress nặng nề.

Việc được quan tâm, chăm chút một cách thái quá cũng khiến không ít học sinh có tâm lý ỷ lại, thiếu sự chủ động, độc lập. Vì thế, khi cuộc sống gặp những điều không như ý muốn, các em dễ bị sốc và thiếu kỹ năng xử lý tình huống dẫn đến việc có những hành động thiếu kiểm soát.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp ngược lại, vì gia đình không trọn vẹn, cha mẹ thiếu sự quan tâm khiến các em có cảm giác bị lãng quên, tự “bơi” trong cảm xúc của tuổi mới lớn, thiếu định hướng dẫn đến việc không phân biệt được việc nào là nên làm, việc nào không. Chính vì vậy, không ít em bị bạn bè xấu lôi kéo, dễ mắc vào các tệ nạn xã hội và tìm đến cái chết vì bế tắc, tù túng...

2 năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, học sinh phải học tập dài ngày qua hình thức trực tuyến đã phát sinh nhiều vấn đề về tâm lý rất đáng lo ngại. Không ít em bị stress vì thiếu sự giao tiếp trực tiếp cộng thêm những lo lắng về dịch bệnh, thi cử khiến luôn căng thẳng, chán nản. Nhiều em không biết tâm sự cùng ai để giải tỏa tâm lý này nên rất dễ bị những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm dẫn đến những hành động dại dột, nguy hiểm đến tính mạng.

Lâu nay, tư vấn tâm lý học đường vẫn là lĩnh vực còn yếu và thiếu trong các trường học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: chưa quan tâm đúng mức, thiếu nhân lực, kinh phí... Bên cạnh đó, không phải phụ huynh nào cũng quan tâm, theo sát, chia sẻ để hiểu được con em mình nhằm giúp đỡ kịp thời cho các em. Tuy nhiên, những vụ tự tử thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi gia đình, nhà trường cần nhìn nhận lại chức trách, nhiệm vụ của mình để cùng chung tay nhận diện sớm những vấn đề tâm lý của học sinh, từ đó kịp thời có hướng dẫn để các em xử lý tình huống phù hợp, tránh bị tổn thương dẫn đến hành động dại dột. Hãy là điểm tựa cho con trẻ để không còn xảy ra những cái chết đau lòng...

M.N

Tin xem nhiều