Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng mới, thách thức mới

09:12, 25/12/2019

"Cuộc chơi" mang tên hội nhập đã và đang từng bước biến đổi thị trường truyền thống của Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung một cách sâu sắc.

“Cuộc chơi” mang tên hội nhập đã và đang từng bước biến đổi thị trường truyền thống của Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung một cách sâu sắc. Trong đó đặc biệt nhất là sự xuất hiện của những trào lưu, cách thức kinh doanh mới mà trước đây chưa có hoặc có nhưng chỉ phát triển dưới quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó nhận biết. Nhượng quyền thương mại là một trong những hình thức kinh doanh “nóng” lên trong vòng 10 năm nay và có thể thấy rất rõ xu hướng đó ở Đồng Nai.

Nếu để tâm quan sát, sẽ thấy nhượng quyền thương mại đang là xu hướng kinh doanh nổi bật, lấn át các xu hướng khác, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, thời trang…

Bộ Công thương cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu. Năm 2018, đã có 203 chuỗi nhượng quyền vào thị trường Việt Nam, trong đó có 36% trong ngành phục vụ, 28% trong ngành dịch vụ giáo dục và 18% trong ngành thời trang… với các thương hiệu lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ, các nước châu Âu…

Tuy nhiên, có vẻ thị trường này đang là sân chơi của các thương hiệu ngoại bởi so sánh cho thấy, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển thương hiệu mạnh đến mức có thể nhượng quyền không nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một số tên tuổi như: Trung Nguyên Legend, Wrap & Roll, Phở 24…

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp đủ lớn mạnh để có thể nhượng quyền thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài thì đây rõ ràng là một trong những cách quảng bá thương hiệu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam một cách hiệu quả trên thị trường quốc tế. Đáng nói là Việt Nam hầu như chưa có chính sách đặc thù có thể tạo nền tảng cho lĩnh vực kinh doanh này phát triển mạnh hơn, trong khi nhiều quốc gia khác hỗ trợ khá mạnh cho doanh nghiệp của họ phát triển thương hiệu ra quốc tế và khu vực, không chỉ thuần túy kinh doanh mà còn mang bản sắc quốc gia rất rõ ràng, góp phần vào việc quảng bá thương hiệu quốc gia.

Hội nhập đem đến nhiều cơ hội vừa hấp dẫn vừa đa dạng, phủ rộng trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Những xu hướng kinh doanh mới xuất hiện liên tục cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm cho các cơ quan quản lý. Làm thế nào để kịp thời có những chính sách đủ nhanh, đủ mạnh để kiểm soát và quản lý các xu hướng kinh doanh mới một cách hiệu quả là vấn đề rất đáng quan tâm. Bên cạnh đó, còn phải tạo dựng môi trường và thiết kế những chính sách hiệu quả để ủng hộ doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần tạo lập môi trường đầu tư bền vững, hỗ trợ quảng bá thương hiệu Việt ra nước ngoài, qua đó xây dựng được hình ảnh quốc gia trên thị trường quốc tế là những thách thức cần suy nghĩ.  

Vi Lâm

Tin xem nhiều