Báo Đồng Nai điện tử
En

Không làm ngơ với biến đổi khí hậu

08:12, 22/12/2019

Trước đây, một người nông dân có thể "chậc lưỡi" bỏ qua khi gặp những bất lợi do thời tiết đem lại trong quá trình trồng trọt, canh tác bởi vẫn tư duy theo kiểu "ba năm được mùa, một năm thất mùa" là việc bình thường. Điều này xuất phát một phần từ nguyên nhân suốt hàng ngàn năm, trong truyền thống canh tác nông nghiệp Việt Nam, những quy luật biến đổi của thời tiết, thiên tai phần nào đã có thể dự đoán và ứng phó kịp thời.

Trước đây, một người nông dân có thể “chậc lưỡi” bỏ qua khi gặp những bất lợi do thời tiết đem lại trong quá trình trồng trọt, canh tác bởi vẫn tư duy theo kiểu “ba năm được mùa, một năm thất mùa” là việc bình thường. Điều này xuất phát một phần từ nguyên nhân suốt hàng ngàn năm, trong truyền thống canh tác nông nghiệp Việt Nam, những quy luật biến đổi của thời tiết, thiên tai phần nào đã có thể dự đoán và ứng phó kịp thời.

Song những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành nỗi ám ảnh, trước hết là của nông dân khi thời tiết ngày một cực đoan hơn và không thể đoán trước. Các quy luật hay kinh nghiệm của nông dân về vấn đề này lâu nay không còn áp dụng được nữa. Ở góc độ vi mô, người nông dân phải đối mặt với việc mất mùa, sâu bệnh, lũ lụt… thường xuyên hơn. Còn ở góc độ vĩ mô, biến đổi khí hậu tại Việt Nam còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong vòng 20 năm nay, biến đổi khí hậu đã làm mực nước biển dâng dẫn đến tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống...

Ngoài ra, nhiệt độ tăng cũng gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm tăng rủi ro an ninh lương thực. Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao còn làm các loài vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng các công trình, chi phí bảo quản... Những tác động từ biến đổi khí hậu làm tăng tính cực đoan của thời tiết, làm cho thiên tai nguy hiểm hơn, hạn hán, thiếu nước ở nhiều nơi hơn. Đất hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí bị sa mạc hóa.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

Về giải pháp, Chính phủ đã có khá nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình hành động… nhằm triển khai trên quy mô cả nước để người dân nhận thức đúng, nhận thức rõ nguy cơ của biến đổi khí hậu và có biện pháp ứng phó, nói đúng hơn là nhận thức đúng để “sống chung” với biến đổi khí hậu, bởi hiện tại vẫn chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả nhanh chóng để chặn “đà” của biến đổi khí hậu, xét trên cả phạm vi toàn cầu.

Các giải pháp để “sống chung” với biến đổi khí hậu cũng được Việt Nam thực hiện khá nhiều như: mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai; đưa ra các giải pháp sinh kế cho người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; khuyến khích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rộng rãi để bớt phụ thuộc vào thời tiết… Nhưng quan trọng hơn hết, mọi giải pháp cần phải bắt nguồn từ nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, thực sự phải hiểu biết và ý thức được nguy cơ để ngay từ bây giờ, bắt tay vào cùng cộng đồng thực hiện những giải pháp giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu bằng những hành động nhỏ nhất mỗi ngày. 

Vi Lâm

Tin xem nhiều