Quy hoạch và xây dựng thêm các hồ chứa nước nhân tạo là nhu cầu cần thiết của Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung, không chỉ hiện tại mà cho cả tương lai lâu dài.
Quy hoạch và xây dựng thêm các hồ chứa nước nhân tạo là nhu cầu cần thiết của Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung, không chỉ hiện tại mà cho cả tương lai lâu dài. Nhìn chung, trong bối cảnh nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức, nguồn nước mặt cũng đang hạn hẹp dần do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì xây dựng các hồ chứa nước nhân tạo là cách làm khả thi để chuẩn bị nguồn nước ngọt một cách căn cơ cho sinh hoạt lẫn sản xuất.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong việc xây dựng hàng loạt hệ thống hồ chứa nước nhân tạo. Các hồ chứa phục vụ cấp nước, phát điện, nuôi thủy sản, tưới tiêu, phát điện, cắt lũ, cải tạo cảnh quan môi trường, du lịch... Trong số đó phải nhắc tới nhiều công trình lớn với những lợi ích tổng hợp như: hồ Hòa Bình, Thác Bà, Yali, Dầu Tiếng, Trị An, Thạch Nham, Sông Hinh… Đồng Nai cũng có nhiều hồ chứa nhân tạo khá thành công, cả về lợi ích cho sản xuất, sinh hoạt và du lịch như: Trị An, Sông Mây, Đa Tôn, Cầu Mới…
Ngoài mục tiêu chủ yếu là cấp nước tưới, phát điện, cắt lũ… thì các hồ chứa nhân tạo còn tạo nên hệ sinh thái phong phú và cảnh quan đẹp với môi trường khí hậu trong lành, góp phần làm cân bằng môi trường sống cho dân cư khu vực xung quanh. Khi đã hình thành và hoạt động ổn định, các hồ chứa nhân tạo còn được khai thác du lịch khá tốt, điển hình là hồ Trị An đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng ở miền Nam.
Chính vì vậy, ngoài 17 hồ chứa đang hoạt động ổn định, trong quy hoạch thủy lợi giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ xây dựng thêm 48 hồ chứa nhân tạo để phục vụ nhu cầu cho sinh hoạt và sản xuất lâu dài về sau.
Xây hồ là cần thiết. Tuy nhiên, việc tính toán kỹ về độ an toàn khi vận hành các hồ nước cũng cần thiết không kém. Thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước, chẳng hạn Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lắk… đã xảy ra tình trạng các hồ chứa nước nhân tạo biến thành một “túi nước” khổng lồ gây thiệt hại trên diện rộng khi mưa lũ tràn về và các kịch bản ứng phó của cơ quan quản lý trở nên vô dụng.
Việc thăm dò địa chất, xem xét thiết kế, tính toán sức chứa, lên kịch bản vận hành các hồ chứa trong mọi hoàn cảnh phát sinh… cần phải làm kỹ lưỡng trước khi xây hàng loạt hồ chứa nước sắp tới. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn và các thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết để chủ động lập kế hoạch, triển khai phương án vận hành hồ chứa...
Đồng thời, cần xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố vỡ hồ chứa, các mô hình dự báo, quan trắc diễn biến mưa và dòng chảy cho cả mùa khô và mùa lũ trong năm. Càng “cầu toàn, kỹ tính” về sự an toàn trong xây hồ chứa nhân tạo bao nhiêu, người dân càng được hưởng lợi ích bấy nhiêu, mà không lo những hồ nước hiền lành đe dọa cuộc sống của mình khi có sự cố xảy ra.
Vi Lâm