Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sóng gió" mía đường

09:10, 24/10/2019

Mía đường là một trong những ngành được Chính phủ Việt Nam bảo hộ "kỹ càng" nhất khi ký kết hoặc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài mục đích bảo vệ lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng mía trên cả nước, còn để các doanh nghiệp trong ngành mía đường có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành.

Mía đường là một trong những ngành được Chính phủ Việt Nam bảo hộ “kỹ càng” nhất khi ký kết hoặc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài mục đích bảo vệ lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng mía trên cả nước, còn để các doanh nghiệp trong ngành mía đường có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành. Có như vậy, khi hàng rào thuế quan mặt hàng này hoàn toàn bị dỡ bỏ theo các cam kết thương mại tự do thì đường nội mới có thể tự tin cạnh tranh cùng đường nhập khẩu, đặc biệt có thể tồn tại trước sức ép của những “người khổng lồ” ngành mía đường như: Thái Lan, Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2007) đến nay, ngành mía đường trong nước vẫn chưa thể đủ sức cạnh tranh với đường nhập khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2018-2019 đã giảm khoảng 30%, dẫn đến tình trạng thiếu mía nguyên liệu và nhiều nhà máy chỉ duy trì sản xuất với công suất thấp. Đã có 17/40 nhà máy đường thua lỗ, nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020 (nguồn: Hiệp hội Mía đường Việt Nam).

Ngành đường trong nước hiện chưa thể giải quyết tận gốc những yếu kém nội tại như: năng suất thấp, giá thành cao, vùng nguyên liệu manh mún, công nghệ lạc hậu, sản phẩm thiếu đa dạng... Do đó, không chỉ doanh nghiệp mà Chính phủ cũng rất lo lắng trước khả năng cạnh tranh yếu của ngành đường ngay trên sân nhà khi không còn bảo hộ.

Nhưng “sóng gió” sẽ thực sự “ập đến” kể từ ngày 1-1-2020 khi Việt Nam buộc phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam tham gia vào năm 2010. Theo lộ trình của ATIGA, đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được bỏ hạn ngạch nhập khẩu và hàng rào thuế quan; đồng nghĩa với việc ngành mía đường Việt Nam tiếp tục chịu áp lực rất lớn khi phải trực tiếp cạnh tranh với các nước có thế mạnh về sản xuất đường, đặc biệt là Thái Lan.

Thực tế, Chính phủ đã đề nghị trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến ngày 1-1-2020 thay vì phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan sớm hơn nhằm kéo dài thời gian cho ngành mía đường trong nước. Đây là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với ngành mía đường. Và việc này không thể trì hoãn thêm được nữa, các doanh nghiệp mía đường cần phải có phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới. Và nếu không thể thích nghi, các nhà máy đóng cửa, phá sản thì cần có lộ trình chuyển đổi cây trồng phù hợp cho hàng triệu nông dân bao lâu nay sinh sống nhờ trồng mía.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều