Việc Trung Quốc siết lại các tiêu chuẩn về nhập khẩu nông sản không phải là chuyện mới, bởi từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã thông báo rộng rãi việc áp dụng những quy chuẩn mới về nguồn gốc, xuất xứ nông sản nhập khẩu vào nước này theo đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.
Việc Trung Quốc siết lại các tiêu chuẩn về nhập khẩu nông sản không phải là chuyện mới, bởi từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã thông báo rộng rãi việc áp dụng những quy chuẩn mới về nguồn gốc, xuất xứ nông sản nhập khẩu vào nước này theo đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.
Quốc gia 1,4 tỷ dân này hiện đang đứng đầu trong 5 thị trường lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam, chiếm đến 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Vấn đề là kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc gần đây sụt giảm khá mạnh. Số liệu mới nhất mà Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 9 tháng của năm 2019 đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Và cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã giảm 5,5%.
Theo phân tích của giới chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khá lớn từ các chính sách kiểm soát hàng nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu về bảo quản, đóng gói hàng hóa và tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ đường biên giới nhằm ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo.
Trước vấn đề này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng nhiều lần cảnh báo, tổ chức diễn đàn, hội thảo… nhằm phổ biến cho doanh nghiệp và nông dân những thông tin mới, qua đó giúp nông sản Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn khi muốn xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, một phần do tập quán canh tác, nuôi trồng, buôn bán… của đa phần nông dân chưa thể thay đổi ngay, dẫn đến nông sản Việt Nam bị ùn ứ nhiều tại các cửa khẩu vì không đáp ứng đủ yêu cầu.
Muốn giải quyết khó khăn này, biện pháp duy nhất để giữ thị trường vẫn là tìm cách đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà đối tác đặt ra, từ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm đến thủ tục, giấy tờ, yêu cầu nhãn mác. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn là những gì có thể thay đổi sớm được thì phải thay đổi ngay để “khơi thông” dòng chảy cho xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, việc tìm kiếm thêm những thị trường mới cho nông sản cũng là điều cần được quan tâm. Sự đa dạng về thị trường giữ cho nông sản Việt Nam sự độc lập, tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất theo kiểu “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Và để thực hiện sớm được 2 giải pháp này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, còn cần cả doanh nghiệp lẫn nông dân nhanh chóng bắt tay vào và thay đổi càng nhanh càng tốt.
Vi Lâm