Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cởi trói" cho du lịch

08:10, 02/10/2019

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đồng Nai đón một làn sóng các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước muốn đầu tư vào du lịch. Trong đó, có cả những dự án mới và dự án cũ mở rộng, nâng cấp với vốn đăng ký dự kiến từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng/dự án.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đồng Nai đón một làn sóng các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước muốn đầu tư vào du lịch. Trong đó, có cả những dự án mới và dự án cũ mở rộng, nâng cấp với vốn đăng ký dự kiến từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng/dự án.

Về lợi thế tự nhiên, dễ dàng nhận thấy Đồng Nai là nơi có “thiên thời, địa lợi” với rừng, thác, sông, hồ lâu nay được giữ gìn và bảo tồn rất tốt. Nhưng chỉ với lợi thế tự nhiên vẫn chưa đủ để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư du lịch. Có lẽ yếu tố có sức thuyết phục lớn nhất đối với các nhà đầu tư du lịch, đủ để họ muốn bỏ vốn vào du lịch Đồng Nai chính là hạ tầng giao thông mấy năm nay được đầu tư mạnh mẽ, từ những dự án trọng điểm quốc gia đến các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã, hứa hẹn một mạng lưới giao thông thông suốt trong tương lai gần.

Tuy nhiên, có nhà đầu tư tiềm lực mạnh, có sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân, một số dự án du lịch hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến tốc độ triển khai khá chậm. Trong đó, các thủ tục về đất đai đang chồng chéo, khó giải quyết hoặc phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết khiến nhiều dự án đang “giậm chân tại chỗ”.

Đơn cử, một dự án du lịch đòi hỏi diện tích đất khá lớn, từ vài hécta đến cả trăm hécta tùy quy mô và thông thường sẽ bố trí ở các vị trí gần rừng, thác, suối, hồ… Do đó, các dự án sẽ phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với mục tiêu làm du lịch, quy trình này mất đến 2-3 năm nếu thuận lợi. Nếu dự án có liên quan đến đất rừng, các thủ tục thuê đất cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức với nhiều hồ sơ, thủ tục liên quan. Còn “dính” đến đất lúa, phải trình Chính phủ và được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì mới được triển khai. Để hoàn thành hết những thủ tục lớn liên quan đến đất đai, một dự án có khi phải mất từ 5-7 năm mới hoàn thành, đôi khi đã qua mất thời điểm “vàng” trong đầu tư mà nhà đầu tư mong muốn, chưa kể những thay đổi liên tục về khung giá đất, về các chính sách giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án.

Phát triển du lịch sinh thái, khai thác thêm nguồn thu cho ngân sách để có kinh phí bảo vệ môi trường, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung là mong muốn của Đồng Nai bao năm nay. Quan điểm làm du lịch của tỉnh dựa trên nguyên tắc tôn trọng cảnh quan tự nhiên, không gây phương hại đến cây cối, đất đai, nguồn nước… và chỉ khai thác “nương” vào tự nhiên. Điều này được cho là đúng đắn và phù hợp với xu hướng “du lịch xanh” hiện nay. Tuy nhiên trước mắt, muốn những dự án “du lịch xanh” tầm cỡ thành hình, cần sớm “cởi trói” những khó khăn, ràng buộc về hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai để nhà đầu tư có thể thực sự triển khai dự án.

Vi Lâm

Tin xem nhiều