Khi tiếng Quốc ca cất lên, lòng mỗi người dân Việt lại trỗi lên những cảm xúc bồi hồi, xúc động và rất đỗi tự hào. Ký ức về một thời gian khổ nhưng anh hùng lại hiện lên, thiêng liêng, bi tráng. Và rồi tự trong sâu thẳm mỗi người, hai tiếng Việt Nam trở nên gần gũi, thân thương hơn bao giờ hết.
Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...".
Khi tiếng Quốc ca cất lên, lòng mỗi người dân Việt lại trỗi lên những cảm xúc bồi hồi, xúc động và rất đỗi tự hào. Ký ức về một thời gian khổ nhưng anh hùng lại hiện lên, thiêng liêng, bi tráng. Và rồi tự trong sâu thẳm mỗi người, hai tiếng Việt Nam trở nên gần gũi, thân thương hơn bao giờ hết.
Đã 70 năm trôi qua nhưng nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca với những cảm xúc đặc biệt chưa bao giờ phai trong lòng những người con quả cảm của đất nước. Với họ, được đặt tay lên trái tim mình, ngắm là cờ đỏ sao vàng là một niềm hạnh phúc vô bờ bến mà dù có phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và sự hy sinh cũng sẵn sàng. Như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi đã ghi: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân Trường tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động”.
Biết bao người đã khóc khi được hát Quốc ca, được đứng nghiêm trang thực hiện nghi thức chào cờ? Không chỉ trong thời chiến, ngay tại thời bình, khi chứng kiến lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Bác; lễ kéo cờ nơi giàn khoan, hải đảo hay đơn giản là một buổi sáng chào cờ thứ 2 đầu tuần... cảm xúc đều có thể đến, xúc động đến nghẹn ngào. Còn nhớ đó là lễ chào cờ sáng thứ hai, ngày 12-5-2014, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa), giáo viên cùng học sinh đã xếp hình Tổ quốc với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khi bài Quốc ca vang lên đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tình yêu đất nước một lần nữa lại trỗi dậy mãnh liệt đến vậy trong thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hay lễ chào cờ của các em học sinh khuyết tật tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai. Không hát, không nói được nhưng qua cử chỉ của đôi bàn tay, các em vẫn thực hiện nghi thức chào cờ bằng tấm lòng và tình yêu quê hương đất nước. Chứng kiến nghi thức chào cờ đặc biệt này, mỗi người dân đất Việt sẽ càng yêu mến hơn màu đỏ thắm của cờ đỏ sao vàng, hát hay hơn bài hát Quốc ca và muốn cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.
Chính ý nghĩa đặc biệt của nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca mà 10 năm qua, tại Đồng Nai đã duy trì việc tổ chức thực hiện nghi lễ này ở tất cả các cơ quan, đơn vị. Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước mà không ít doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng tổ chức cho người lao động hát Quốc ca, chào cờ vào sáng thứ hai. Nhiều ấp, khu phố ở Đồng Nai, người dân tham gia nghi thức chào cờ với thái độ nghiêm túc, trân trọng. Và từ mở nhạc sẵn để thực hiện nghi thức, đến nay tại hầu hết các lễ chào cờ đều cất lên tiếng hát “sống” của người dự lễ.
Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim.
Minh Ngọc