Gần đây, với việc nhiều thanh thiếu niên nghiện game online (trò chơi trực tuyến) dẫn tới những hậu quả tiêu cực, như: bỏ học, ăn trộm, ăn cướp, giết người... thì xã hội mới thực sự quan tâm đến tình trạng này.
Gần đây, với việc nhiều thanh thiếu niên nghiện game online (trò chơi trực tuyến) dẫn tới những hậu quả tiêu cực, như: bỏ học, ăn trộm, ăn cướp, giết người... thì xã hội mới thực sự quan tâm đến tình trạng này. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc nghiên cứu tình trạng nghiện trò chơi bằng cách mua các đồng xu để chơi bắn cá, đua xe, đá bóng, bắn bi... đã được quan tâm ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ từ những năm 1980. Gần đây, các trò chơi này lại phát triển mạnh ở Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung cùng với trò chơi trực tuyến và để lại rất nhiều hậu quả cả về mặt xã hội lẫn kinh tế.
Trò chơi, dù là trực tuyến (trên internet) hay mua các đồng xu để chơi các trò trên máy đều có thể gây nghiện vì thiết kế của các trò chơi đều mang lại phần thưởng cho người chơi, thậm chí nhiều trò chơi còn thiết kế như một máy đánh bạc với các phần thưởng tưởng như rất cao, hoặc các cấp bậc phần thưởng tăng dần. Ngoài ra, ở trò chơi trực tuyến thì người chơi còn được mở rộng giao lưu, được thể hiện sức mạnh khi tham gia trò chơi, được “đi đây, đi đó” và thể hiện tính cách khó được bộc lộ ở xã hội thực, được lên các cấp bậc lãnh đạo cao hay thả sức tung hoành trong khi cuộc sống thực không cho họ cơ hội đó. Và trên hết, với đa phần người nghiện trò chơi, nhất là thanh thiếu niên, thì cuộc sống thực tế của họ khá nhàm chán, có những thất bại, hoặc thiếu kỹ năng dẫn đến cảm giác không có giá trị….
Còn tình trạng nghiện trò chơi sử dụng các đồng xu chủ yếu ở lứa tuổi trưởng thành, là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế và có nhiều thời gian. Lúc đầu họ chơi như một cách giải trí, nhưng dần dần lại tham gia như một cách đánh bạc công khai và không thể thoát khỏi. Đây có thể coi là một hình thức nghiện đánh bạc trực tuyến chứ không chỉ là việc sử dụng trò chơi quá mức hay nghiện trò chơi thông thường. Chính vì thế, việc đưa ra các quy định nghiêm cấm tình trạng chơi với số lượng xu nhiều, hay quy định thời gian chơi tối đa là rất cần thiết. Đồng thời, gia đình có người nghiện trò chơi đánh bạc này cần phải đưa họ vào chương trình cai bắt buộc vì đây là một tình trạng rối loạn về việc mất kiểm soát hành vi chơi bạc, trò chơi.
Tình trạng nghiện trò chơi trực tuyến thì lại chủ yếu ở lứa tuổi học sinh và sinh viên. Mặc dù việc chơi trò chơi không mất quá nhiều tiền như kiểu đánh bạc ở trên, nhưng cũng tiêu tốn một lượng thời gian khá lớn của người chơi. đồng thời, người chơi cũng phải bỏ tiền ra mua các “đồ chơi” để trò chơi của mình thú vị hơn, và phải trả một lượng lớn tiền cho các tiệm internet. Gần đây các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, nghiện trò chơi trực tuyến còn dẫn tới nhiều vấn đề xã hội, như: ăn trộm, cướp, hiếp dâm… và các vấn đề khác như vấn đề sức khỏe tâm thần, bạo hành, bắt nạt trên internet, ảnh hưởng đến vấn đề học hành, công việc… Việc “cai” nghiện trò chơi trực tuyến cần nhiều thời gian và phải được đánh giá một cách nghiêm túc. Vì thế, việc phòng ngừa tình trạng nghiện trò chơi trực tuyến là cực kỳ quan trọng.
Các nhà chuyên môn thường cho rằng việc phòng ngừa tình trạng nghiện trò chơi trực tuyến ở thanh thiếu niên cần một tiếp cận hệ thống bao gồm nhiều chủ thể, như: gia đình, xã hội và nhà trường, trong đó gia đình giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Cha mẹ phải là người giúp con xây dựng một hệ giá trị cũng như các kỹ năng xã hội tích cực, luôn chia sẻ, lắng nghe và khích lệ con cái, giúp các em tự tin hơn, sống tích cực hơn. Trong quá trình phát triển quá nhanh và đa dạng như xã hội Việt Nam hiện nay, gia đình phải là cái nôi nuôi dưỡng sự phát triển tích cực lâu dài của cá nhân bởi những giá trị tích cực của mình.
Th.S tâm lý Lê Minh Công