Ngay buổi họp báo công bố thông tin đầu tiên sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt thỏa thuận ngày 5-10-2015, lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định, Việt Nam sẽ có 10 năm chuẩn bị cho ngành chăn nuôi - ngành được cho là sẽ chịu nhiều tổn thương nhất khi TPP chính thức có hiệu lực.
Ngay buổi họp báo công bố thông tin đầu tiên sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt thỏa thuận ngày 5-10-2015, lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định, Việt Nam sẽ có 10 năm chuẩn bị cho ngành chăn nuôi - ngành được cho là sẽ chịu nhiều tổn thương nhất khi TPP chính thức có hiệu lực.
Lo lắng nhất của nông dân Đồng Nai và nông dân cả nước, là khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, các loại thịt mà Mỹ và một số nước trong khối TPP có thế mạnh từ lâu, như: thịt heo, thịt gà, thịt bò… sẽ tràn vào và “đánh bại” thịt trong nước sản xuất với thế mạnh về giá, và đặc biệt thế mạnh về thịt sạch. Tuy nhiên, toàn văn TPP công bố mới đây cũng đã chỉ rõ, thịt các loại chỉ giảm thuế từ năm thứ 11 trở đi tính từ khi TPP có hiệu lực.
Như vậy, tính toán chung của Chính phủ và nhiều chuyên gia là chăn nuôi Việt Nam có khoảng 10 năm để chuẩn bị cho cạnh tranh thực sự từ “sân nhà đến sân người” trên cả nhiều phương diện: giá, chất lượng, thương hiệu…
Nhưng 10 năm dài hay ngắn, có đủ để ngành chăn nuôi trong nước vượt lên những yếu kém và khó khăn hiện tại, tự tin bước vào cuộc cạnh tranh công bằng, sòng phẳng mang tên TPP hay không?
Câu trả lời là tùy thuộc vào việc trong 10 năm đó, Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện những yếu kém đã được nói rất rõ của một ngành kinh tế trọng yếu của cả nước - chăn nuôi. Những trở ngại đó là: lệ thuộc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá thức ăn cao; con giống có năng suất kém; quá trình chăn nuôi sử dụng nhiều chất cấm gây mất an toàn cho sản phẩm thịt và làm nên nhiều tiếng xấu cho sản phẩm chăn nuôi Việt Nam; thị trường trong nước dễ dãi vì chuộng thịt “nóng” mà chưa quan tâm đến các tiêu chuẩn hiện đại về bảo quản thịt; hệ thống phân phối yếu kém… Thậm chí, có những nghịch lý mà nếu không đi sâu tìm hiểu, chẳng ai ngờ có thể tồn tại: những nhà máy giết mổ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh trên địa bàn tỉnh bị tiểu thương “chê” là vì nó có quy mô sản xuất lớn, quy trình kỹ thuật được chuẩn hóa với những quy định chặt chẽ về môi trường, thú y đã và đang “chết” dần, nằm đắp chiếu vì tiểu thương không chịu giết mổ sạch theo quy trình, chỉ muốn giết mổ nhỏ lẻ cho cơ động và chi phí rẻ.
Chỉ có 2 điều căn bản làm nên lợi thế cạnh tranh của bất cứ sản phẩm hàng hóa nào chứ không chỉ chăn nuôi: giá và chất lượng. Về giá, do quá nhiều công đoạn “ăn” vào giá, nên giá thành thịt heo, thịt gà tại Việt Nam đang cao hơn nhiều nước khác. Về chất lượng, gần như chưa có hàng rào kỹ thuật hay những biện pháp tầm soát chất lượng thịt nào được áp dụng phổ biến tại Việt Nam, những vi phạm về tồn dư chất cấm, chất gây hại trong quá trình chăn nuôi chỉ được phát hiện đầy tình cờ trong các đợt kiểm tra đột xuất lẻ tẻ của các sở, ngành liên quan.
10 năm sẽ đủ dài nếu ngay từ giờ này, Chính phủ quyết liệt trong các biện pháp nhằm giảm thiểu lệ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngoại nhập, đầu tư con giống và năng suất, đặc biệt kiểm soát kỹ lưỡng chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm chăn nuôi trên quy mô cả nước. Điều này không dễ, song không thể không làm. Người tiêu dùng một khi đã không tin vào sản phẩm chăn nuôi do những người Việt làm nên, thì dù giá có hạ xuống thấp nhất, họ cũng sẽ chối từ khi trên sạp chợ là gà Mỹ, heo Mỹ, thịt bò Nhật với giá phải chăng và chất lượng được khẳng định an toàn.
Và 10 năm sẽ rất ngắn, vô cùng ngắn nếu chúng ta vẫn loay hoay với từng sự vụ nhỏ nhặt, người chăn nuôi loay hoay đối phó với giá tăng, người tiêu dùng hoang mang đối phó với thông tin chất cấm tràn lan trong thịt. Ngành chăn nuôi sau 10 năm liệu còn “sống” hay không, nông dân kịp cạnh tranh trong TPP hay không, tất cả đều phụ thuộc sự thay đổi nhanh hay chậm và sự quyết tâm từ Chính phủ đến doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.
Kim Ngân