Tại đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (ở thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường, tỉnh Nam Định, ngày 8-11), Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng cho biết: "Ở Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 24 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống, cùng với trên 60 người bị thương tật suốt đời.
Tại đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (ở thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường, tỉnh Nam Định, ngày 8-11), Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng cho biết: “Ở Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 24 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống, cùng với trên 60 người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình gánh chịu sự mất mát, đau thương. Thêm nữa, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả tai nạn giao thông hàng năm…”.
Đúng như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói, một vụ tai nạn giao thông xảy ra, một người mất đi sẽ để lại bao đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Một thanh niên với biết bao hoài bão tốt đẹp bỗng chốc qua đời, tương lai tan vỡ vì tai nạn giao thông, để lại bao tiếc thương, xót xa cho người thân và cộng đồng. Một người cha, người mẹ chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông là gia đình mất đi một trụ cột, con cái mất đi sự dạy dỗ, chở che, chăm sóc. Những sinh linh bé nhỏ qua đời vì tai nạn giao thông khiến xã hội mất đi những mầm non được gia đình, xã hội bảo bọc, nuôi dưỡng thành những tương lai của đất nước… Đó là chưa nói đến thảm cảnh cả gia đình đều tử vong vì tai nạn giao thông khiến những ai nghe nói đến đều không thể giấu đi sự xót xa, như trường hợp đau lòng của gia đình Thượng úy Vũ Minh Hải (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) vào ngày 6-11 vừa qua.
Người chết để lại bao xót xa, đau thương cho những người ở lại, còn những người may mắn sống sót sau TNGT, nhưng chẳng may phải mang thương tật nặng nề cũng khổ đau không kém. Từ những người khỏe mạnh, mang đầy ước mơ, hoài bão còn chưa kịp thực hiện thì một tai nạn bất ngờ ập xuống đã khiến họ thành những người tàn phế, tán gia bại sản vì chạy chữa thương tích và trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Từ đây, những ngày tháng còn lại của họ trên cõi đời này là những tháng ngày chống chọi với nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trong những ngày này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân chẳng may bị tử vong do tai nạn giao thông; thăm hỏi và tặng quà cho các nạn nhân, gia đình những người bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn nhằm chia sẻ nỗi đau mất mát của các nạn nhân và gia đình họ.
Tuy nhiên, để không còn những nỗi đau mất mát do tai nạn giao thông gây ra, ngoài sự quản lý một cách tích cực, khoa học và trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, thì cũng rất cần đến sự chung sức của toàn xã hội. Đặc biệt, mỗi người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường; phải xây dựng cho mình những nền tảng về văn hóa giao thông, coi trọng sự an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
Có như vậy mới giảm thiểu những nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra. Như lời ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: “Để kéo giảm, giảm thiểu tất cả các thương vong từ tai nạn giao thông, hơn bao giờ hết cần có sự vào cuộc và sẻ chia của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Một khi cả xã hội chung tay, đồng lòng, thống nhất thì sự mất mát, đau thương sẽ giảm, khi tham gia giao thông mọi người sẽ có những hành vi cư xử đúng, an toàn”.
PHẠM MAI