Báo Đồng Nai điện tử
En

Gương sáng cho học trò

11:11, 18/11/2015

Lịch sử giáo dục Việt Nam đã ghi nhận công đức của biết bao người thầy tài năng, đức độ, cuộc sống thanh bần mà trong sáng như gương. Thầy Chu Văn An là một trong những tấm gương tiêu biểu của bậc làm thầy xưa kia.

Lịch sử giáo dục Việt Nam đã ghi nhận công đức của biết bao người thầy tài năng, đức độ, cuộc sống thanh bần mà trong sáng như gương. Thầy Chu Văn An là một trong những tấm gương tiêu biểu của bậc làm thầy xưa kia. Nhân dân luôn ca ngợi phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông và coi ông là người thầy vĩ đại. Cuộc đời của ông dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài năng siêu việt nhưng phẩm chất rất gần gũi và bình dị. Ông thường dạy học trò của mình đạo đức làm người và phê phán những thói hư tật xấu mà con người nên tránh.

Qua bao thịnh suy, thăng trầm của lịch sử, cuộc sống người thầy thời nay đã khá hơn lên. Đạo lý thầy - trò với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vẫn được bao thế hệ người Việt Nam chúng ta nâng niu, gìn giữ. Những ai đã chọn cho mình sự nghiệp gắn bó với bục giảng, với mái trường đều không thể so tính thiệt - hơn. Nếu để cho bất kỳ phép tính nào hiện diện trong đời sống tinh thần của mình, người thầy sẽ không sao trụ lại nổi với nghề mà mình đã chọn.

Thời bao cấp, những ai theo nghề dạy học thường nghèo sát đất. Những năm tháng ấy, ngoài tri thức, người thầy rất cần có tấm lòng. Giữ được lòng mình trong sáng, giữ được phẩm hạnh thanh cao chính là thử thách lớn lao đối với người thầy. Ngày nay, chúng ta có rất nhiều những thầy giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm; một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau. Vì lẽ đó, mỗi thầy giáo cần phải là tấm gương tốt cho học sinh, sinh viên noi theo.

Để làm được điều đó thì mỗi nhà giáo ngay từ bây giờ phải xác định lại vị trí của mình, phải sống vị tha, yêu thương con người, phải xây dựng mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò và giữa thầy với gia đình sinh viên. Thầy phải là người được đào tạo bài bản, phải là người đủ tâm, tài, đức để lèo lái con thuyền tương lai đi đúng hướng, đến bến bờ vinh quang. Người thầy phải vượt qua mọi khó khăn về vật chất để làm tốt công việc của mình.

Đi sâu vào công việc thường ngày của nhà giáo, chúng ta sẽ thấy rằng nghề giáo với công việc vô cùng tinh tế, giàu sức sáng tạo, tràn đầy cảm hứng. Mỗi ngày, người thầy đứng giữa và phải đối phó với hàng ngàn các yếu tố đang không ngừng chuyển động, đổi khác, mâu thuẫn. Chưa kể, tri thức mà người thầy muốn truyền cho học trò của mình lại mỗi ngày một khác. Cái mà người thầy tưởng đã là chân lý, một mai hóa ra chuyện hoang đường, huyền thoại. Cái mà người thầy cứ tưởng là sai đứt đi rồi, hóa ra, xét trên một phương diện nào đó lại thành ra đúng.

Nghề giáo lại đặc biệt, đặc biệt ở chỗ không chỉ mang lại tri thức mà cả vốn sống, cả nhân cách nữa. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong cuộc sống. Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.

Để thầy xứng đáng là thầy và phát huy được vai trò của mình một cách tích cực thì hơn ai hết mọi người phải biết kính trọng thầy. Bởi trong hành trang vào đời của mỗi người, dù ở cương vị nào thì hình ảnh người thầy vẫn lung linh, đầy nhân văn cao cả. Lấy lời Anh hùng dân tộc Quang Trung làm thông điệp cho thầy và trò của chúng ta nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: “Xây dựng đất nước phải lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc”.

TS. BÙI QUANG XUÂN

Tin xem nhiều