Tại sao ở Việt Nam, một trong những câu hỏi cửa miệng của nhiều bà mẹ có con nhỏ là: "Trẻ cân nặng bao nhiêu kg?" mà không phải là: "Trẻ bơi được bao xa?", "Chạy bộ được bao nhiêu phút?". Vì sao hầu hết các bà mẹ Việt Nam thường có một nỗi ám ảnh không tên về chỉ số cân nặng của trẻ?
Tại sao ở Việt Nam, một trong những câu hỏi cửa miệng của nhiều bà mẹ có con nhỏ là: “Trẻ cân nặng bao nhiêu kg?” mà không phải là: “Trẻ bơi được bao xa?”, “Chạy bộ được bao nhiêu phút?”. Vì sao hầu hết các bà mẹ Việt Nam thường có một nỗi ám ảnh không tên về chỉ số cân nặng của trẻ?
Bởi vì trong thực tế của xã hội, nhiều người còn có quan điểm đánh đồng: sự giàu có về kinh tế tỷ lệ thuận với chỉ số cân nặng. Tất nhiên, nhà giàu thì có điều kiện để tẩm bổ, nhưng việc cung cấp chất dinh dưỡng “không phanh”, không chú trọng đến các hoạt động thể chất cho trẻ là một trong những nguyên dân dẫn đến bi kịch trước mắt: số trẻ béo phì ở Việt Nam đang gia tăng chóng mặt.
Nhật Bản không chỉ nổi tiếng là đất nước giàu có hàng đầu trên thế giới mà còn nổi tiếng là một đất nước ít người béo phì và nhiều người sống lâu. Thông qua internet, phim ảnh và mạng xã hội, người ta dễ dàng nhìn thấy từng tốp học sinh nắm tay nhau đi bộ đến trường, các bà nội trợ đi bộ đến siêu thị, các ông bố đi bộ ra ga bắt tàu điện đi làm rồi lại đi bộ đến công sở. Người Nhật được giáo dục về việc rèn luyện thân thể từ nhỏ.
Bài học rèn luyện thân thể từ Nhật Bản rất đáng để học tập, nhất là khi Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung đang hướng đến xây dựng những tiêu chí quan trọng của một thành phố đáng sống. Đơn cử như Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã tăng cường rất nhiều môn học giúp rèn luyện thể chất cho trẻ. Theo đó, trong chương trình học hàng ngày của trẻ, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã tăng cường các môn học vận động, như: bơi lội, võ, bóng rổ, bóng đá, thể dục nhịp điệu, múa… bên cạnh lịch đi dạo và tập thể dục buổi sáng mỗi ngày.
Đáng chú ý, với mong muốn phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, khuyến khích người dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai đã xây dựng đề án “Trang bị dụng cụ thể dục thể thao nơi công cộng” và đã đưa các dụng cụ thể thao vào phục vụ người dân như là một hình thức khuyến khích người dân đến với phong trào tập luyện thể thao nhiều hơn. Từ ngày Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh và một số công viên ở TP.Biên Hòa được lắp đặt những dụng cụ tập thể dục, thể thao đã thu hút đông đảo người dân đến rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng ngày càng sôi nổi.
Hay như chương trình “30 phút cho sức khỏe mỗi ngày” do Đoàn cơ sở Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh tổ chức gần 3 năm nay, đã thu hút hơn 500 người dân Biên Hòa tham gia mỗi ngày. Đây là một trong những hoạt động thể thao cộng đồng đang được yêu thích tại nhiều nơi, vì nó vừa mang lại sức khỏe, sự dẻo dai vừa tạo cho người tập thêm năng động và tự tin.
Mỗi sớm mai khi mặt trời vừa ló dạng, bất kỳ người dân Biên Hòa - Đồng Nai nào, từ chị bán rau, người bán vé số hay cán bộ, công chức, đều có thể luyện tập thể dục, đi bộ hít thở không khí trong lành bên công viên bờ sông Đồng Nai hiền hòa, đó không phải là thành phố “đáng sống” hay sao?
Lâm Viên