Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhắm đến một "hậu nông thôn mới"

10:12, 02/12/2015

Sau huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận Thống Nhất đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2015. Đây là đơn vị cấp huyện thứ 3 của Đồng Nai về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2015.

Sau huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận Thống Nhất đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2015. Đây là đơn vị cấp huyện thứ 3 của Đồng Nai về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2015.

Có thể nói, hiếm có một chương trình nào gây nên được nhiều sự đồng thuận như ở phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, thống kê cho thấy kinh phí đầu tư nông thôn mới ở Thống Nhất có đến 60% do người dân đóng góp tự nguyện. Nguyên nhân, đơn giản vì những đầu tư đó trực tiếp tác động vào đời sống người dân và người dân “tìm” thấy mình trong đó: làm đường, xây trường, chuẩn hóa nước sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm tỷ lệ hộ nghèo… với mục tiêu lớn nhất là nâng cao đời sống người dân nông thôn, trước tiên thông qua thu nhập. Tại Thống Nhất, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đã đạt trên 35 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010 - thời điểm chưa đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Đồng Nai đã nhiều lần nói đến “hậu nông thôn mới” thông qua bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, với quan điểm nhất quán là không dừng lại trong việc nâng cao đời sống người dân nông thôn và phải đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh trong thời kỳ mới.

Nâng cao đời sống nông dân ở thời điểm hiện tại còn gắn với một chủ đề khác thời sự hơn, đó là hội nhập. Thông qua những hiệp định kinh tế song phương và đa phương, cộng đồng kinh tế, các thỏa thuận thương mại trên nhiều lĩnh vực, hội nhập không còn là một cụm từ chung chung, xa xôi nữa, mà chỉ ít lâu nữa thôi hội nhập sẽ ảnh hưởng ngay đến mảnh vườn của người nông dân.

Với Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào ngày 31-12-2015, thị trường ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung và theo lộ trình rất ngắn, thực phẩm, rau củ quả, hàng hóa từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… có thể sẽ bằng giá hoặc rẻ hơn nông sản Việt Nam, và người nông dân ngay lập tức bị ảnh hưởng. Xa hơn nữa, trong 10 năm tới, khi những hàng rào thuế quan cuối cùng bị dỡ bỏ theo thỏa thuận của 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nông sản từ các quốc gia nổi tiếng về trình độ nông nghiệp, như: Hoa Kỳ, New Zealand… cũng sẽ tràn ngập thị trường nội địa.

Vậy, sẽ phải làm gì với “lửa gần” (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và cả “lửa xa” (TPP)? Chỉ có một cách là nâng cao nội lực của chính nông dân trong nước. Và nói cho cùng, xây dựng nông thôn mới cũng là một giải pháp để hướng đến điều đó, bằng cách biến sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ truyền thống thành sản xuất hàng hóa thông qua công nghệ, khoa học - kỹ thuật, chuỗi liên kết… đủ sức cạnh tranh với nông dân Trung Quốc, Thái Lan, hay xa hơn nữa là Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand… Mà cạnh tranh không ở đâu xa, chính là cạnh tranh ngay trên chính thị trường nội địa.

Sau nông thôn mới, còn rất nhiều, rất nhiều việc phải làm, phải điều chỉnh, phải hỗ trợ để nông sản Việt Nam có sức sống hơn: kênh tiêu thụ, thị trường, marketing, làm thương hiệu… Nhưng tin rằng, với chỉ một điều thôi, mọi việc sẽ dễ dàng hơn: bằng các chính sách, hãy để người nông dân tự nhận thức, tự thấy mình cần thay đổi, cần nâng cao nội lực để cạnh tranh nhằm nâng cao thu nhập của mình và gia đình một cách bền vững hơn, chứ không phải chỉ hướng vào thành tích. Vì thành tích rồi cũng qua, chỉ còn lại cuộc sống thực tế của người nông dân là ý nghĩa.

Vi Lâm

Tin xem nhiều