Ngày 6-4-2015, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) kỷ niệm 20 năm thành lập. Chuyện thông thường đơn vị nào cũng có, nhưng điều đặc biệt ở đây là chặng đường 20 năm của DIZA cũng là chặng đường hơn 20 năm Đồng Nai mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào, thay da đổi thịt nền kinh tế.
Ngày 6-4-2015, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) kỷ niệm 20 năm thành lập. Chuyện thông thường đơn vị nào cũng có, nhưng điều đặc biệt ở đây là chặng đường 20 năm của DIZA cũng là chặng đường hơn 20 năm Đồng Nai mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào, thay da đổi thịt nền kinh tế. Đồng thời, hình thành nên một hệ thống các khu công nghiệp sầm uất, biến nhiều nơi thành những đô thị công nghiệp rất đặc trưng mà không phải địa phương nào cũng có.
Bắt đầu bằng Luật Đầu tư nước ngoài, được ban hành lần đầu tiên vào cuối năm 1987, Việt Nam đã hình thành nên khuôn khổ luật pháp nền tảng đầu tiên cho xu thế mở cửa và hội nhập. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đến nay Đồng Nai là tỉnh luôn nằm trong tốp 5 cả nước dẫn đầu về thu hút đầu tư. Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Đồng Nai là 1.490 dự án với tổng vốn đầu tư 26,34 tỷ USD, trong đó 1.161 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 21,87 tỷ USD.
Đi cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, bắt đầu từ những khu công nghiệp tại đô thị, sau đó lan dần về các huyện và cho đến nay, Đồng Nai đã có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 10 ngàn hécta và tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các khu công nghiệp là 67%. Các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch… cũng đã và đang trở thành những trung tâm công nghiệp lớn với các dự án thuộc nhiều ngành nghề, từ dệt may, linh kiện máy tính, thực phẩm đến các ngành nghề công nghệ cao. Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 470 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. So với bình quân chung của cả nước thì Đồng Nai có tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp cao hơn gần 20%. Ngoài việc giải quyết việc làm, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương và tăng đều qua mỗi năm, với 461 triệu USD vào năm 2012 và 2014 đã tăng lên 534 triệu USD.
Chặng đường hơn 20 năm, đến thời điểm này cũng chứng kiến sự lớn mạnh và “đảo chiều” của tỉnh trong thu hút đầu tư... Không chạy theo số lượng và thu hút đầu tư bằng mọi giá, Đồng Nai chọn lọc dự án trong thời gian tới theo đúng những tiêu chí tỉnh đề ra: sạch, an toàn, công nghệ cao. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường khẳng định, dù các doanh nghiệp FDI đến tìm cơ hội đầu tư tại các khu công nghiệp Đồng Nai khá đông, nhưng tỉnh ưu tiên thu hút những dự án thuộc công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, còn những dự án có chất thải lớn và nguy cơ gây ô nhiễm cao, dù lượng vốn đầu tư lớn đến đâu cũng sẽ bị từ chối.
Sắp tới, hệ thống các khu công nghiệp Đồng Nai sẽ khác, các khu công nghiệp ở xa thu hút thêm đầu tư nhờ hệ thống giao thông được đầu tư bài bản. Riêng khu công nghiệp trong đô thị như Biên Hòa 1 cũng sẽ được di dời đến nơi phù hợp, hệ thống quan trắc, hệ thống xử lý nước thải tại từng khu công nghiệp cũng phải hoàn thành, dịch vụ cho các khu công nghiệp dần hoàn thiện. Cùng với đó, người dân có thể kỳ vọng hơn vào những đô thị công nghiệp xanh, sạch, đẹp - điểm đặc trưng nhất ở Đồng Nai.
VI LÂM