Chuyện có vẻ như vô lý khi một quốc gia nổi tiếng phong phú về chủng loại trái cây mùa nào thức ấy và diện tích canh tác rất lớn trải dài từ Bắc chí Nam lại có kim ngạch nhập khẩu trái cây tăng mạnh theo từng năm.
Chuyện có vẻ như vô lý khi một quốc gia nổi tiếng phong phú về chủng loại trái cây mùa nào thức ấy và diện tích canh tác rất lớn trải dài từ Bắc chí Nam lại có kim ngạch nhập khẩu trái cây tăng mạnh theo từng năm.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Internet |
Theo đó, trái cây ngoại nhập về Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Năm 2016, ước tính Việt Nam chi hơn 700 triệu USD nhập trái cây ngoại.
Riêng tháng 1-2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây của Việt Nam đạt hơn 110 triệu USD, tăng 55% so với cùng thời điểm này năm trước (nguồn: Báo Tuổi Trẻ).
Trái cây nhập khẩu có nguồn gốc rất đa dạng, song chủ yếu đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển hơn Việt Nam, như: Mỹ, Úc, Chile, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… với chủng loại phong phú không kém: cherry, kiwi, nho, xoài, lê, táo, lựu, mãng cầu, cam, quýt, thanh long… trong đó có những loại trái cây rất phổ biến tại Việt Nam.
Giá trái cây nhập khẩu cũng khá đa dạng, nhưng thường cao gấp nhiều lần so với giá trái cây nội. Chẳng hạn, 1kg cherry dao động từ 500-900 ngàn đồng; táo Nhật Bản từ 200-300 ngàn đồng/kg; mãng cầu Đài Loan 500-700 ngàn đồng/kg… Người tiêu dùng ở các đô thị lớn sẵn sàng chi tiền triệu để mua trái cây nhập cho nhu cầu hàng ngày.
Thực tế, nhu cầu sử dụng trái cây nhập khẩu là chính đáng, đặc biệt với những loại trái cây ôn đới không trồng được ở Việt Nam hoặc có chất lượng kém hơn trái cây nhập khẩu. Song, vấn đề nằm ở chỗ do nhu cầu lớn nên thị trường trái cây nhập khẩu đang khá “loạn” do một lượng lớn trái cây được nhập về theo đường “xách tay” hoặc tiểu ngạch, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng.
Dựa vào đó, nhiều người bán trà trộn trái cây cùng loại có xuất xứ Trung Quốc vào để “ăn” chênh lệch giá. Chẳng hạn, 1kg cherry xuất xứ từ Mỹ hoặc New Zealand có thể lên đến gần 1 triệu đồng/kg vào mùa cao điểm, song cherry Trung Quốc chỉ có giá 200-300 ngàn đồng/kg.
Về nguyên tắc, một quốc gia khi muốn mở cửa nhập khẩu một loại trái cây hay nông sản từ một quốc gia nào đó phải qua nhiều bước: cử đoàn công tác sang các quốc gia đó để kiểm tra nguồn gốc, an toàn dịch hại và an toàn thực phẩm, tương tự như Nhật Bản, Úc, Mỹ… vẫn làm trước khi quyết định mở cửa cho chôm chôm, xoài hay thanh long Việt Nam xuất khẩu vào nước họ.
Tuy nhiên, do chính sách kiểm soát còn lỏng lẻo và nguồn lực có hạn, Việt Nam chưa thể làm được điều này một cách nhất quán và liên tục. Chính vì vậy, người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn khi chi tiền triệu để mua trái cây nhập mà họ nghĩ là an toàn từ Mỹ hay Úc, song thực chất lại có nguồn gốc từ một quốc gia nào đó có giá rẻ hơn.
Theo nhiều chuyên gia, trái cây nhập khẩu thường đến Việt Nam qua đường tàu biển và có thể nằm trong các container lạnh 1-2 tháng là chuyện bình thường trước khi đến tay người tiêu dùng, và trong nhiều trường hợp phải dùng khá nhiều chất bảo quản để giữ trái cây tươi lâu. Do đó, cho rằng trái cây nhập khẩu đắt tiền an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm chưa chắc đã là một suy nghĩ đúng.
Mặc dù vậy, chọn lựa và nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sẵn sàng bỏ bạc triệu để mua trái cây mà họ nghĩ rằng an toàn là một điều hoàn toàn đáng suy nghĩ đối với cả những người làm chính sách lẫn những người đang trồng và bán trái cây tại Việt Nam.
Vi Lâm