Giai thoại lịch sử có chuyện kể rằng, Trần Hưng Đạo đem chuyện cha mình là An Sinh vương Trần Liễu di huấn phải trả thù nhà để dò ý con cháu và gia tướng.
Giai thoại lịch sử có chuyện kể rằng, Trần Hưng Đạo đem chuyện cha mình là An Sinh vương Trần Liễu di huấn phải trả thù nhà để dò ý con cháu và gia tướng. Có nhiều ý kiến khác nhau. Gia tướng tâm phúc là Yết Kiêu, Dã Tượng cùng có lời khuyên nên dẹp thù nhà, lo vận nước. Yết Kiêu nói: “Trả thù nhà đoạt vương quyền tuy được phú quý một lúc mà để lại tiếng xấu nghìn năm. Nay đại vương há chẳng phú quý hay sao? Chúng tôi thà chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!”. Đức ông Trần Quốc Tuấn hỏi: “Chuyện người làm thịt dê tên Duyệt là như thế nào?”.
Yết Kiêu kể, đó là người mà Yết Kiêu và Dã Tượng tôn kính bậc thầy về sự trung thành, nghĩa khí, không vì danh vọng mà làm điều trái đạo.
Thời nhà Chu ở phương Bắc, Sở Chiêu Vương chạy loạn, có người làm thịt dê tên là Duyệt theo hầu, đến khi giành lại được ngôi báu, muốn ban tước cho Duyệt nhưng người này từ chối mà nói: “Nhà vua mất nước, tôi không được làm thịt dê. Nay nhà vua về lại nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ, cần gì phải thưởng nữa!”.
Tham gia cống hiến, góp phần tạo thành công cho đất nước, ai cũng muốn được tước lộc. Nhưng tước lộc đến đâu là do lòng ham muốn của mỗi người. Với anh làm thịt dê, được làm nghề thịt dê, vậy là đủ. Biết đủ là đủ. Còn tước lộc theo kiểu của các bậc công thần thường hay la lối, hờn trách đủ thứ, than ôi, biết đâu là chỗ dừng. Không dừng là chẳng bao giờ đến!
Trực Tử