Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học ở dân

11:09, 07/09/2015

 

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là một nhà quân sự, nhà kinh tế và nhà thơ lỗi lạc.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là một nhà quân sự, nhà kinh tế và nhà thơ lỗi lạc. Đặc biệt, ông là một danh nhân được dân nhớ, truyền tụng nhiều giai thoại về tính cách của một người cương trực, tài hoa, giỏi ứng biến. Ông quan niệm: “Làm trai đứng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Ông đã từng làm quan đến Binh bộ Thượng thư, cũng từng bị hàm oan, bị giáng chức từ Tuần vũ An Giang sung làm lính tuần thú Quảng Ngãi. Dù thăng - giáng bất thường, ông vẫn một lòng với công việc: “Làm tướng không vinh. Làm lính không nhục”. Công tích chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (nay thuộc Ninh Bình), Tiền Hải (nay thuộc tỉnh Thái Bình) được dân địa phương tưởng nhớ, thờ phụng như thành hoàng.

Giai thoại kể rằng: Ở tuổi cổ lai hy, Nguyễn Công Trứ nghỉ hưu ở quê nhà Hà Tĩnh. Nhân dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn nhớ ơn khẩn điền, lập sinh từ cho ông rồi rước ông từ quê Hà Tĩnh đến chứng giám. Thấy ông được trọng vọng, có kẻ ghen ăn tức ở tâu lên vua vu cho ông tội “thu phục nhân tâm, âm mưu tạo phản”. Vua triệu hồi Nguyễn Công Trứ về kinh hạch tội. Nguyễn Công Trứ phải vượt ngàn dặm đường xa lai kinh để giãi bày. Vua hiểu ra, chuyện sàm tấu làm khổ lão công thần, nên chuyển sang hỏi chuyện về đời sống của người dân Kim Sơn, Tiền Hải.

Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “Nhờ ân đức bệ hạ, dân Kim Sơn, Tiền Hải chăm lo cày cấy, đời sống sung túc, thường ca hát vui vẻ. Nhờ vậy mà hạ thần học được nhiều điều”. Nhà vua hỏi:“Học được điều gì vậy?”. Nguyễn Công Trứ tâu: “Nhiều lắm. Ví như họ hát đố: Đem thân cho thế gian ngồi. Rồi ra lại nói những lời bất trung”. Vua hỏi: “Đó là gì vậy?”. Nguyễn Công Trứ đáp: “Dạ! Là cái phản. Còn nữa, dân còn hát: Ngay lòng ở với nước nhà. Người dù không biết trời đà biết cho”. Vua lại hỏi: “Đáp thế nào?”. Nguyễn Công Trứ tâu: “Dạ! Thần cũng bí. Hỏi ra, dân đáp: Đó là cái máng nước ạ!”.

Vua hiểu ra, Nguyễn Công Trứ đã học từ dân, lấy ý của dân để minh oan cho mình, còn ngầm ý cảnh tỉnh việc suy xét lòng người trước những lời sàm tấu. Đời này, có vậy không ta?

Trực Tử

 

 

Tin xem nhiều