Sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu nổi bật có ý nghĩa quan trọng,...
Sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cùng với thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phù hợp với thực tiễn của đất nước, Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu nổi bật có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển ở các chặng đường tiếp theo.
Công nhân trong giờ sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: N.Hòa |
Quá trình thực hiện Cương lĩnh năm 2011 ở Đồng Nai được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng thuận cao với những chủ trương nhằm xây dựng và phát triển bền vững, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và mở rộng quan hệ đối ngoại đa phương với các nước trên thế giới.
* Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Đồng chí Võ Văn Chánh, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, một trong những thành tựu nổi bật của Đồng Nai sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011 là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12%/năm; giai đoạn 2016-2018 là 8,03%. Riêng năm 2019 đạt 9,05%; thu nhập bình quân đầu người gần 114 triệu đồng (tương đương 4.810 USD, cao hơn 1,7 lần so với trung bình chung cả nước).
Nếu như năm 1985, cơ cấu kinh tế của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chiếm hơn 57% thì nay cơ cấu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là chính (nông nghiệp chỉ còn 8%). Từ chỗ tỉnh chỉ có 1 khu công nghiệp, nay có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (chiếm 10% so với tổng số khu công nghiệp cả nước), với tỷ lệ cho thuê khoảng 80% diện tích (tỷ lệ này của cả nước chỉ đạt 51%). Năm 2019, thu ngân sách của Đồng Nai đạt 55.666 tỷ đồng, là một trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương và một trong 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu ngân sách.
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh chú trọng gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Với chủ trương không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế, từ nhiều năm qua, Đồng Nai đã thực hiện sàng lọc trong thu hút đầu tư, tập trung thu hút những ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch; phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, tất cả 31 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, vì hơn 51% dân số của tỉnh sống ở nông thôn. Đến nay, Đồng Nai đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới; nhiều vùng nông thôn giờ đã trở thành những vùng quê “đáng sống”.
Mới đây, khi về khảo sát thực tế xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận xét, xuất phát điểm là một xã nghèo của huyện nghèo nhưng xã Phú Lý đã đạt thành tựu rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, đó là công sức của toàn Đảng, toàn dân. “Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn của tỉnh, huyện trong việc xây dựng nông thôn mới. Cảnh quan ở xã Phú Lý nói riêng và H.Vĩnh Cửu nói chung rất đẹp, các nếp nhà ngay ngắn, khang trang, chứng tỏ đời sống vật chất và tinh thần nơi đây được cải thiện đáng kể. Bà con ở Phú Lý đều tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, đó là nông thôn mới thực chất” - đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
* Chăm lo đời sống nhân dân
Cùng với việc thực hiện phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả các giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa vùng đất và con người Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, đúng như mục tiêu của Cương lĩnh năm 2011 đã đề ra.
Tỉnh cũng luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo… Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với hơn 57.500 người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Ngoài việc dành kinh phí ngân sách của tỉnh 270 tỷ đồng mỗi năm để chăm lo cho người có công, hệ thống chính trị trong tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực khác để chăm sóc người có công. Đến nay, đời sống của các gia đình chính sách trong tỉnh đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống các hộ dân trong vùng nên không còn hộ nghèo.
Hoạt động GD-ĐT và KH-CN cũng có nhiều chuyển biến, chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho tỉnh.
MTTQ và các đoàn thể chính trị tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; động viên sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh.
Thực hiện Cương lĩnh 2011, Đồng Nai đã đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh nhưng chưa thực sự bền vững. Việc chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tuy đúng hướng nhưng chậm; tỉ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ cao như: điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu... còn thấp. Những ngành được coi là chủ lực của tỉnh như dệt may, giày da, hóa chất, cao su... còn sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể còn yếu nên phải lệ thuộc vào tăng trưởng và phát triển của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và đô thị đã dẫn tới sự quá tải về các vấn đề xã hội như: tăng dân số cơ học, tăng các vụ vi phạm pháp luật trong xây dựng, tệ nạn xã hội, phạm pháp hình sự, tăng các vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người do thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án… Trong khi đó, công tác quản lý đô thị còn hạn chế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (các thiết chế văn hóa, trường lớp) và các dịch vụ (nhà ở, y tế, giáo dục, trông giữ trẻ, vui chơi giải trí) chưa đáp ứng yêu cầu.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn cho địa phương, từ đó giúp địa phương mạnh dạn, sáng tạo hơn nữa trong quá trình phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, những nội dung của Cương lĩnh 2011 vẫn còn nguyên giá trị, vì thế Trung ương cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu triển khai quán triệt và thực hiện Cương lĩnh một cách đồng bộ. Đồng thời cụ thể hóa thêm các văn bản hướng dẫn, xác định những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn thực hiện, gắn từng nội dung thực hiện định hướng lớn của Cương lĩnh với những chính sách cụ thể trong quản lý nhà nước để tháo gỡ những vấn đề đang vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Đồng Nai đã đạt thành tựu rất lớn sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011. Những thành tựu đó của Đồng Nai đã và đang đóng góp tích cực, xứng đáng vào sự phát triển của đất nước và trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng Nai cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tiếp tục phát triển mạnh ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu hút những ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường để đưa Đồng Nai trở thành địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp. |
Phương Hằng