Vào những ngày tháng Tư lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ, thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến công chung vĩ đại đó, hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh với điểm xuất phát tiến công trên địa bàn Đồng Nai đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng,
Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG
(Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng!
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phố tham dự hội thảo!
- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí tướng lĩnh, sỹ quan!
- Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí!
Thượng tướng Trần Quang Phương báo cáo đề dẫn tại hội thảo |
Vào những ngày tháng Tư lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ, thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến công chung vĩ đại đó, hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh với điểm xuất phát tiến công trên địa bàn Đồng Nai đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, cùng với các hướng mũi tiến công khác của chiến dịch góp phần to lớn, có ý nghĩa quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giành toàn thắng cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Sau những thắng lợi giòn giã của quân và dân ta ở Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt và diễn biến trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tiến hành và thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định (từ 14.4.1975 đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh), do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn); các quân, binh chủng; lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn diễn ra chiến dịch. Mục tiêu chiến dịch là tiến công thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Cách đánh chiến dịch được xác định là: tiêu diệt, ngăn chặn và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn phòng ngự vòng ngoài, mở đường cho các binh đoàn đột kích thọc sâu, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, kết hợp tiến công và nổi dậy, kết hợp đánh bên trong và đánh bên ngoài.
Để thực hành trận quyết chiến chiến lược với quy mô lớn chưa từng có, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định không tổ chức đội hình thê đội trong quá trình tác chiến; không chia bước, chia đợt như các chiến dịch thông thường, mà giao khu vực tác chiến và mục tiêu tiến công cụ thể cho từng quân đoàn trên từng hướng. Lực lượng chủ lực tiến công hình thành năm cánh quân, mỗi cánh quân tương đương một quân đoàn. Hướng Đông Nam do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, lực lượng gồm 3 sư đoàn bộ binh (304, 325, 3), Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn xe tăng 203, Lữ đoàn công binh 219, Sư đoàn cao xạ 673 (tổng quân số khoảng 40.000 người), do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh làm Chính ủy. Quá trình chiến đấu, được sự phối hợp của Trung đoàn đặc công 116 Miền và lực lượng vũ trang địa phương, có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Chi khu Long Bình, Chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, bến phà Cát Lái, Chi khu Đức Trạch, thị xã Bà Rịa, thị xã Vũng Tàu; vượt sông Đồng Nai đánh chiếm Quận 9, Quận 4; trong trường hợp nếu đơn vị bạn phát triển chậm thì chủ động đánh chiếm Quận 1, Quận 3 và Dinh Độc Lập.
Khu vực tập kết lực lượng và các vị trí xuất phát tiến công trên hướng Đông Nam Sài Gòn có địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi những đồng lầy rộng lớn và hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó có hai sông lớn là sông Đồng Nai và sông Lòng Tàu. Trên hướng này, sau khi thất bại tại phòng tuyến Xuân Lộc (21.4.1975), quân địch tập trung lực lượng lớn, tổ chức thành 3 tuyến phòng ngự mạnh. Vì vậy, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Quân đoàn 2 đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng và sử dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo với tư tưởng tác chiến “nhanh, mạnh, chắc”.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, sau màn hỏa lực bắn phá dồn dập của hàng chục trận địa pháo binh dội xuống mục tiêu địch ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, các sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 2 nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Để phối hợp với lực lượng Quân đoàn 2, Tỉnh ủy Biên Hòa và các cấp bộ đảng trong tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, tham gia công tác bảo đảm hậu cần phục vụ bộ đội chiến đấu; có kế hoạch di tản nhân dân ra khỏi vùng chiến sự; phát động quần chúng nổi dậy truy lùng ác ôn, chiếm các trụ sở chính quyền địch ở xã, ấp, phát huy tinh thần tự lực và chủ động giải phóng quê hương.
Sau 5 ngày chiến đấu quyết liệt, liên tục (từ 26 - 30.4.1975), hướng tiến công Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, có sự hỗ trợ đắc lực của quân và dân Đồng Nai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đập tan tuyến phòng thủ Đông Nam Sài Gòn của địch, tiêu diệt, bắt sống, gọi ra trình diện hơn 20.000 tên địch; tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ, Lữ đoàn 1 dù, Lữ đoàn 3 kỵ binh bay, Chiến đoàn 322, Chiến đoàn 318, Lữ đoàn 933 biệt động và tàn quân của các Sư đoàn 1, 2, 3, 23, Lữ đoàn 147, Lữ đoàn 367 ở các Quân khu 1 và 2 chạy về khu vực Sài Gòn - Gia Định; tiêu diệt và làm tan rã 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 4 liên giang đoàn tàu thuyền chiến đấu; bắn cháy 23 máy bay, thu và phá hủy hàng trăm khẩu pháo các loại, nhiều tàu thuyền chiến đấu cùng nhiều kho tàng và các phương tiện chiến tranh khác của địch (1). ũi thọc sâu của Quân đoàn đã nhanh chóng tiến vào Dinh Độc Lập, bắt giữ nội các và buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhân Kỷ niệm Ngày Toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc những vấn đề xoay quanh chủ đề Hội thảo. Tại Hội thảo hôm nay, Ban Chỉ đạo Hội thảo rất mong các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử tiếp tục đi sâu khẳng định và làm sâu sắc hơn một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, phân tích làm rõ bối cảnh tình hình, đặc biệt là những diễn biến nhanh chóng của cách mạng miền Nam từ Chiến thắng Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; âm mưu, thủ đoạn của địch nhằm đối phó với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta.
Hai là, khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch xuất sắc của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng. Phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị chiến trường, tổ chức lực lượng, thế trận trong Chiến dịch Hồ Chí Minh nói chung, ở hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai nói riêng.
Ba là, tái hiện cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng của quân và dân ta trên hướng Đông Nam; quá trình phối hợp chiến đấu chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các hướng mũi tiến công; đồng thời, phân tích làm rõ bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam. Trên cơ sở đó, tập trung làm rõ vai trò, đóng góp to lớn của các đơn vị bộ đội chủ lực, của lực lượng vũ trang địa phương và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Đồng Nai; sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động nhân lực, vật lực, phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu và giành thắng lợi trên hướng Đông Nam.
Bốn là, nêu bật đóng góp quan trọng của quân và dân ta trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh; phân tích làm rõ những nhân tố thắng lợi, trên cơ sở đó tập trung khái quát, đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị, góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời có thể vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Với ý nghĩa đó, Ban Chỉ đạo tin tưởng rằng, Hội thảo khoa học: “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả Hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc giá trị, ý nghĩa của những thắng lợi ở hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh; bồi đắp niềm tin, lòng tự hào về truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, củng cố quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước; đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị to lớn của Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
Kính chúc các đại biểu cùng toàn thể các đồng chí dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
(1) Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.260.