Chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế tất yếu, là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số, xã hội số, mở ra cơ hội cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Chuyển đổi số (CĐS) đang dần trở thành xu thế tất yếu, là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số, xã hội số, mở ra cơ hội cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Lãnh đạo Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên công nhân khu vực nhà trọ. Ảnh: N.Sơn |
Để bắt nhịp được với sự phát triển mới, đòi hỏi mỗi cá nhân trong xã hội, trong đó có thanh niên công nhân (TNCN) - lực lượng lao động đang tham gia trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, các khu vực và thành phần kinh tế… - thích nghi tốt và hòa mình vào dòng chảy CĐS.
*Nhận thức để thích nghi và thay đổi
Phát biểu tại tọa đàm TNCN tiên phong CĐS do Trung ương Đoàn tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến mới đây, TS Nguyễn Xuân Hải, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TBXH cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại rất nhiều thay đổi của nền kinh tế và sự vận hành của thị trường lao động việc làm. Trong bối cảnh đó, đội ngũ TNCN và lao động trẻ Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức. Đứng trước bối cảnh đó, mỗi lao động trẻ cần chủ động thích nghi, tận dụng cơ hội và vượt lên thử thách bằng cách trang bị cho mình vốn kiến thức khoa học phong phú, đầy đủ và toàn diện.
Thời gian qua, đội ngũ TNCN, người lao động trẻ đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc CĐS. Trong lao động sản xuất, kinh doanh, TNCN và lao động trẻ đã ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại đơn vị.
Trao đổi tại tọa đàm TNCN tiên phong CĐS, Bí thư Trung ương Đoàn NGÔ VĂN CƯƠNG cho rằng, để đẩy mạnh CĐS nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ngoài vai trò của TNCN, người lao động trẻ, các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức vận hành để phù hợp với bối cảnh CĐS hiện nay. |
Đang công tác tại một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở tỉnh Bình Dương, anh Trịnh Thảo Trung chuyển về công tác tại Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai. Trải qua các nhiệm vụ khác nhau, anh Trung được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp.
Anh Trung cho biết, Phòng Kế hoạch - tổng hợp khá nhiều đầu việc, từ thu mua vật tư, quản lý sản xuất, lên kế hoạch sản xuất, bán hàng… Để hoạt động của phòng vận hành thông suốt, anh đã khai thác triệt để tiện ích của phần mềm Zalo bằng cách lập nhóm để triển khai công việc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ. Ngoài Zalo, công ty thiết kế riêng một phần mềm dành cho cán bộ quản lý. Mỗi ngày, chỉ cần truy cập vào phần mềm là có thể biết được những đầu việc nào đã hoàn thành, chưa hoàn thành để đôn đốc các bộ phận thực hiện đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Nhận thức được lợi ích của CĐS, anh Vũ Xuân Phát, nhân viên Phòng Kỹ thuật nông nghiệp Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã có sự thay đổi trong cách thức làm việc. Với nhiệm vụ quản lý vườn cây, lên kế hoạch chăm sóc vườn cây trên địa bàn tỉnh, anh đã tự mày mò viết ứng dụng quản lý việc chăm sóc vườn cây trên ứng dụng Excel.
Anh Phát cho biết, ngoài việc quản lý vườn cây, ứng dụng đề ra các mốc thời gian chăm sóc cây. Đến thời điểm cần chăm sóc cây nhưng nếu đơn vị không thực hiện thì sẽ có email nhắc các nông trường tiến hành chăm sóc đảm bảo cây cao su phát triển tốt nhất. Ứng dụng này giúp đảm bảo vườn cây đồng đều để đưa vào khai thác mủ một cách đồng bộ, tiết kiệm chi phí sản xuất…
* Cần thêm sự đồng hành từ Đoàn, Hội
Là lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo, nhạy bén với những cái mới…, thanh niên nói chung và TNCN nói riêng được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong CĐS. Ngoài việc chủ động học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của mỗi cá nhân, đòi hỏi cần có sự đồng hành từ tổ chức Đoàn, Hội…
Trong đó, với công tác tuyên truyền giúp đoàn viên, TNCN hiểu về CĐS, nhận thức được những việc cần làm để góp phần vào công cuộc CĐS, tổ chức Đoàn cần chủ động tham mưu tổ chức các cuộc thi tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trang bị kiến thức khoa học - công nghệ cho lao động trẻ. Đồng thời, đăng ký thực hiện các công trình, phần việc thanh niên liên quan đến đề xuất sáng kiến, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ tại tọa đàm TNCN tiên phong CĐS do Trung ương Đoàn tổ chức, anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty CP Đầu tư và phát triển Thiên Nam (tỉnh Bình Dương) cho hay, bên cạnh việc đăng ký thực hiện các công trình, phần việc, tổ chức Đoàn cần đề ra các giải pháp, hướng dẫn đoàn viên, TNCN, người lao động trẻ thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đoàn cấp trên để được định hướng kịp thời.
Anh Đậu Hồng Quang, làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (tỉnh Gia Lai) chia sẻ, tại công ty đã thành lập đội hình hỗ trợ nhằm hướng dẫn cho đoàn viên, TNCN trong quá trình tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tổ chức Đoàn của công ty đề xuất chuyển đổi phương thức triển khai một số hoạt động như: số hóa văn bản, số hóa tài liệu trong các cuộc họp; trả lương qua tài khoản ngân hàng… nhằm tạo cơ hội để đoàn viên, TNCN tham gia CĐS. Tổ chức Đoàn công ty đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, tuyên dương, biểu dương đoàn viên TNCN trên các fanpage của Đoàn…
Kết quả, đoàn viên, TNCN đã có sự thay đổi một số thói quen. Thay vì thanh toán tiền mặt khi mua hàng, nay đã thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt; một số đoàn viên, TNCN đã mạnh dạn làm thêm bằng việc kinh doanh online… vừa nâng cao thu nhập, vừa tiếp cận nhiều hơn với công nghệ.
Từ thực tế tại Đồng Nai, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hiếu Trung cho rằng, để tham gia tích cực vào công cuộc CĐS, đòi hỏi nguồn nhân lực trẻ phải chất lượng. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực cao thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Giải pháp anh Trung đề ra chính là nâng cao nhận thức của bản thân lao động trẻ và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, các hộ, ngành liên quan cần tham mưu Chính phủ nâng cao hiệu quả việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh; đồng thời, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người trẻ sau đào tạo.
Nga Sơn