Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng 1 năm, vào ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam ngày nay.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng 1 năm, vào ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam ngày nay.
Thủ trưởng Vùng 2 Hải quân tặng quà bà con ngư dân trong hải trình đầu Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: N.Hà |
68 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, HQND Việt Nam đóng góp nhiều chiến công vang dội, cùng quân, dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) HQND Việt Nam ngày nay tiếp tục giành nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng các lực lượng chấp pháp trên biển sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ hướng biển.
* Anh hùng trong chiến đấu
Theo lịch sử HQND Việt Nam, 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ CBCS HQND Việt Nam đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, đi vào lịch sử của quân đội, của dân tộc và trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đó là chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 đã bẻ gãy gọng kìm không quân trong chiến dịch “Mũi tên xuyên” của Mỹ. Chiến thắng vang dội của lực lượng đặc công hải quân trên chiến trường sông, biển; chiến công của những đoàn tàu không số làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển… Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, HQND đã phối hợp với các lực lượng thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên vùng biển miền Trung, Tây Nam của Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.
Nhớ lại những chiến công hiển hách này, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức (ông Sáu Đức) - một trong những người đầu tiên tham gia đoàn tàu không số khi vừa mới thành lập (ngày 23-10-1961), hiện là Trưởng ban Liên lạc đoàn tàu không số tại TP.HCM cho hay, mỗi chuyến vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam với ông là một kỷ niệm khó quên.
“Chuyến vận chuyển vũ khí đầu năm 1968 là một kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Khi đồng đội của tôi hy sinh, chỉ còn lại những người bị thương, trong đó có tôi, đã được BS Đặng Thùy Trâm cùng những người làm việc tại Bệnh xá H.Đức Phổ, Quảng Ngãi chữa trị để sau đó tiếp tục ra Bắc nhận nhiệm vụ” - ông Đức cho biết.
Từ khó khăn, những người lính hải quân như ông Đức và nhiều đồng đội đã làm nên chiến công huyền thoại của những đoàn tàu không số cách nay gần 62 năm; góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Chủ động, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển
Theo chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh HQND Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới.
Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm nhấn mạnh: “Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng bám sát nghị quyết của Đảng các cấp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng lực lượng HQND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển”.
68 năm qua, HQND Việt Nam 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng khác. Ngày nay, HQND Việt Nam là một trong những lực lượng được xác định tiến thẳng hiện đại, luôn sẵn sàng chủ động bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. |
Trong đó, xây dựng quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm để HQND Việt Nam luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tập trung tuyên truyền, giáo dục cho CBCS về tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, hiểu rõ giá trị mỗi tấc đảo, từng sải biển, những nhà giàn… đều là máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thiêng liêng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.
Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; các chiến lược về quân sự, quốc phòng. Qua đó, nâng cao ý chí quyết tâm, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của CBCS; bản lĩnh vững vàng, nhạy bén, chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những vấn đề mới phát sinh; kiên quyết, kiên trì thực hiện bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cũng theo chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của lực lượng hải quân là thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường. Tiếp tục đột phá vào huấn luyện “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, thực hiện quy tắc an toàn và nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ”; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện.
Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng hải quân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững mạnh. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án: HQND làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển; phối hợp tuyên truyền, chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…
Là đơn vị được chọn làm trước, có hiệu quả chương trình HQND Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện khá hiệu quả.
Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân cho hay, ở chương trình này, Vùng 2 được giao tuyên truyền về biển, đảo cho 10 tỉnh, thành phố và vươn khơi bám biển cho 5 tỉnh. “Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm bình quân các tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) được tuyên truyền từ 2-5 lần về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa và nhiệm vụ vươn khơi, bám biển. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nên việc huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa ngày càng đa dạng, hiệu quả” - đại tá Đỗ Hồng Duyên nhấn mạnh.
Nguyệt Hà