Báo Đồng Nai điện tử
En

Người mang tin chiến thắng Điện Biên Phủ về Trung ương

08:05, 06/05/2023

Đối với Đồng Nai và miền Đông Nam bộ, tên tuổi thượng tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 4, gắn liền với trận đánh mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, cùng nhiều chiến dịch khác thời kháng chiến chống Mỹ.

Đối với Đồng Nai và miền Đông Nam bộ, tên tuổi thượng tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 4, gắn liền với trận đánh mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, cùng nhiều chiến dịch khác thời kháng chiến chống Mỹ.

Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013). Ảnh: T.L
Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013). Ảnh: T.L

Ít ai biết rằng, trước khi bí mật vào Nam trên con tàu không số, thượng tướng Hoàng Cầm đã lập nhiều chiến công, chỉ huy Trung đoàn 209 - Sông Lô trực tiếp bắt sống và hỏi cung tướng Pháp De Castries trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Vinh dự hơn, ông còn được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử làm Trưởng đoàn Chiến sĩ thi đua mặt trận Điện Biên Phủ mang tin chiến thắng về báo cáo với Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc.

* Chớp thời cơ trước giờ tổng công kích và bắt sống tướng De Castries

Chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950 kết thúc thắng lợi. Quân ta phá vòng vây quân Pháp đối với Chiến khu Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung. Nhờ lập chiến công, vị chỉ huy trẻ Hoàng Cầm được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 - Sông Lô thuộc Đại đoàn 312 do tướng Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng, tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Bắc bộ.

Mùa Xuân năm 1954, nhằm chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 209 nhanh chóng hành quân về Tây Bắc. Khi đợt 1 chiến dịch mở màn, ông Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đoàn 209 phối hợp với Trung đoàn 142 san bằng trung tâm phòng ngự kiên cố bậc nhất của quân Pháp ở cụm 3 cứ điểm Him Lam vào đêm 13-3-1954, góp phần mở thông cánh cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm từ phía Bắc và Đông Bắc, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Thất thủ, đại tá Pirot chỉ huy pháo binh Pháp đã dùng lựu đạn tự sát.

Bước vào đợt 2 chiến dịch, Trung đoàn 209 của ông Hoàng Cầm đánh chiếm cụm đồi D1, D2, D3; đến ngày 1-5 tiếp tục đánh chiếm khu vực bàn đạp mở đầu cho đợt tiến công thứ 3 của chiến dịch. Trên đường tiến quân, Trung đoàn 209 bẻ gãy nhiều cuộc phản kích của địch, tái chiếm các cứ điểm, nhưng cũng bị nhiều tổn thất về số chiến sĩ hy sinh hay loại khỏi vòng chiến đấu. Khó khăn nhất là đêm 6-5, Tiểu đoàn 130 đã không hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm điểm cao 507 để phối hợp cùng đơn vị bạn đánh đồi A1, C2 vì không kiềm chế nổi hỏa lực quá mạnh của địch để quân ta xung phong; hơn nữa, việc tổ chức theo dõi địch của Ban Chỉ huy trung đoàn chưa sâu sát, làm nảy sinh một số trở ngại. Tuy nhiên, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm cùng Ban Chỉ huy sớm khắc phục, chấn chỉnh bộ đội và thuyết phục cấp trên cho tấn công tiếp.

Vào sáng 7-5, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm gọi điện cho Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn, rồi sau đó gọi tiếp lên Chỉ huy trưởng mặt trận Võ Nguyên Giáp xin cho đánh tiếp, nhưng không được đồng ý, vì phải chờ lệnh tổng công kích. Tuy nhiên, biết bao giờ mới có lệnh tổng công kích, trong khi hướng của Trung đoàn 209 đang có thời cơ tốt? Được sự nhất trí của cả Ban Chỉ huy trung đoàn, ông Hoàng Cầm điện lên Sở Chỉ huy đại đoàn gặp Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn để thuyết phục. Ông Tấn đồng ý nhưng còn phải xin ý kiến tướng Giáp. Sau những giây phút chờ đợi căng thẳng, ông Hoàng Cầm nghe tiếng tướng Lê Trọng Tấn qua điện thoại: “Bộ Chỉ huy mặt trận chuẩn y giờ nổ súng của trung đoàn, nhưng nhấn mạnh cần phải chuẩn bị cho tốt, không được bỏ qua một công việc nhỏ nào có liên quan đến đảm bảo chắc thắng”.

Chúng tôi trở về thăm Điện Biên Phủ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 lịch sử. Những lễ hội được mở ra trên khắp vùng Tây Bắc để tưởng nhớ công lao tiền nhân và cũng là dịp chào đón, quảng bá bản sắc văn hóa đến du khách. Thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện của các dân tộc thiểu số ở vùng đất thiêng này còn nhiều bí ẩn. Đứng trên hầm hàng tướng De Castries, hình ảnh Điện Biên hào hùng năm xưa hiện về và chúng tôi bồi hồi nhớ về danh tướng Hoàng Cầm, một chiến binh dày dạn trận mạc mà giản dị, thân tình…

Tướng Lê Trọng Tấn còn cho biết sẽ chi viện thêm 5 khẩu pháo cho trung đoàn. Ông Hoàng Cầm phấn khởi hứa với Đại đoàn trưởng: “Báo cáo anh, có điều kiện chúng tôi phát triển qua sông Nậm Rốm, áp sát sở chỉ huy của địch ở trung tâm Mường Thanh”.

Giữ đúng lời hứa với cấp trên, ông Hoàng Cầm đã chỉ huy trung đoàn đánh chiếm điểm cao 507, tiếp đến tiêu diệt 508, 509 và đồng thời lệnh cho Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy Đại đội 360 vượt cầu phao chặn đường rút quân của địch cũng như chặn viện binh của địch từ trung tâm Mường Thanh ra. Lúc này đã về chiều, nhưng trời nắng nóng, ông Hoàng Cầm mặc áo lót chỉ huy tấn công vào “đầu não” của địch ở Mường Thanh.

Nghe tin bắt được một tên địch điều khiển khẩu đại liên 4 nòng và hắn khai báo hầm De Castries cách đó khoảng trên 200m, ông Hoàng Cầm ra lệnh cho Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn một tiểu đội vượt lên ngay để bắt sống bằng được viên tướng chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ vài phút sau, tướng De Castries phất cờ trắng đầu hàng, toàn bộ ban tham mưu địch 2 tay giơ khỏi đầu theo 2 hàng dọc thất thần bước ra khỏi hầm. Vui mừng trước tin Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật báo về, ông Hoàng Cầm ra lệnh giải ngay tướng De Castries về Ban Chỉ huy trung đoàn để ông trực tiếp hỏi cung. Chiến sĩ Nguyễn Văn Minh dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc hầm chỉ huy tướng De Castries. Thời khắc lịch sử đáng nhớ ấy là 17 giờ ngày 7-5-1954.

* Mang tin chiến thắng trở về

Sau 55 ngày đêm anh dũng chiến đấu, dưới sự chỉ huy tài tình của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đứng đầu là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, gây chấn động thế giới. Hơn 16 ngàn quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và bắt sống.

Ngay sau đó, vị chỉ huy trẻ Hoàng Cầm vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử làm Trưởng đoàn Chiến sĩ thi đua mặt trận Điện Biên Phủ về báo tin thắng lợi với Trung ương và Hồ Chủ tịch. Ông Hoàng Cầm lên ngựa cùng chiến lợi phẩm mang theo gồm: lá cờ Pháp đã rách, các thứ huân chương, lon thiếu tướng và máy thu thanh nhỏ của viên bại tướng De Castries. Tiếng vó ngựa chiến thắng phi nước kiệu hùng dũng vang ngân núi rừng Việt Bắc.

Sau khi lập công lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Cầm nhanh chóng được đề bạt làm Đại đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Đại đoàn 312. Đến cuối năm 1954, ông lại được cử thay ông Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 312.

Miền Bắc được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam bắt đầu. Theo điện yêu cầu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, một ngày đầu năm 1965, đại tá Hoàng Cầm cùng thiếu tướng Trần Độ từ Hà Nội bay sang Quảng Châu, Trung Quốc. 2 người cải trang thành công nhân máy tàu trên một chuyến tàu biển chở sắt đường ray rời Trung Quốc sang Campuchia. Con tàu bắt đầu nhổ neo vào một buổi sáng dày đặc sương mù, lần lượt vượt qua nhiều “điểm nóng” nguy hiểm trên biển Đông, hết Hoàng Sa rồi tới Trường Sa do hải quân Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Nhằm đánh lạc hướng tình báo địch, con tàu chạy xuống gần đảo quốc Singapore rồi bẻ lái đột ngột hướng về cảng Sihanoukville, lên bờ vượt biên giới sang Chiến khu Lộc Ninh ở Đông Nam bộ.

Từ đây, cuộc đời ông Hoàng Cầm bước sang trang mới, lần lượt nhận lãnh nhiều trọng trách: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước, giải phóng nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và giữ yên bờ cõi cho nước bạn Lào.

Có thể nói, cuộc đời chiến tướng Hoàng Cầm là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của người lính Việt Nam thế kỷ XX: xuất thân từ nông dân không đất cắm dùi, không biết mặt chữ, được giác ngộ cách mạng, học hành và cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc, vào sinh ra tử, trở thành một danh tướng lưu danh sử sách. Bằng sự từng trải của mình, tướng Hoàng Cầm từng nói: “Người Việt Nam ở thế hệ nào cũng có lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Thế hệ trẻ bây giờ lớn lên trong thời bình, có điều kiện hơn chúng tôi rất nhiều. Bạn trẻ bây giờ cần có ước mơ. Và bất cứ người lính nào cũng đều cần có ước mơ trở thành vị tướng. Để thực hiện được điều đó, không còn con đường nào khác là lăn xả vào cuộc sống, vào trường đời”.

Phan Hoàng

Tin xem nhiều