Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai gặp không ít khó khăn cần phải vượt qua để tiếp tục đưa Đồng Nai duy trì ở nhóm đứng đầu cả nước về mọi mặt.
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai gặp không ít khó khăn cần phải vượt qua để tiếp tục đưa Đồng Nai duy trì ở nhóm đứng đầu cả nước về mọi mặt.
Chậm hoàn thành quy hoạch chung của tỉnh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Trong ảnh: Người dân theo dõi quy hoạch TP.Long Khánh tầm nhìn đến năm 2050 được công bố công khai |
Trong “bản đồ” phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, nộp ngân sách…, Đồng Nai luôn góp mặt ở những tỉnh, thành phố tốp đầu của cả nước. Nhưng những năm gần đây, trên “bản đồ” đã xuất hiện nhiều “ngôi sao mới” với xung lực phát triển mạnh mẽ nhờ hạ tầng đồng bộ, chính sách thông thoáng, thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Điều này đặt ra cho Đồng Nai những trăn trở phải làm sao tiếp tục duy trì được truyền thống là một tỉnh phát triển công nghiệp năng động, đất lành của các nhà đầu tư, từ đó tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống
người dân.
Không phung phí cơ hội
Nhiều khu công nghiệp (KCN) tập trung quy mô lớn của tỉnh đã hết đất để thu hút đầu tư, trong khi các KCN mới đang chậm triển khai, khiến Đồng Nai vuột mất những cơ hội đón các nhà đầu tư lớn. Đặc biệt, khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khởi công, đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến Đồng Nai tìm cơ hội nhưng cơ hội vẫn chưa được mở ra. Chẳng hạn, KCN Công nghệ cao Amata Long Thành (H.Long Thành) đã có nhiều nhà đầu tư lớn như Lego, Adora của Đan Mạch… với số vốn tỷ USD đăng ký chờ thuê đất mở nhà máy sản xuất nhưng do KCN này chậm hoàn thành nên nhà đầu tư đã chuyển sang tỉnh khác.
Đứng trước lợi thế của một tỉnh công nghiệp nhưng đang bị cạnh tranh khốc liệt trong thu hút đầu tư, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên thắng thắn nhìn nhận: “Nếu chúng ta không tự soi lại mình thì sẽ tụt hậu và nguy cơ tụt hậu hiển hiện trước mắt. Nhiều địa phương đang thu hút mạnh vốn đầu tư, có dự án lên đến 5 tỷ USD, trong khi chúng ta chưa có dự án nào lớn như thế, cao nhất chỉ là 1 tỷ USD. Điều đáng nói là chúng ta có nhiều điều kiện hơn về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, do đó phải bằng nhiều giải pháp đẩy nhanh hạ tầng các KCN mới, hạ tầng giao thông kết nối hoàn chỉnh để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) đang làm ăn tại Đồng Nai và thu hút đầu tư mới”.
Ngoài hạ tầng, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của tỉnh cũng đang là thách thức khi thay đổi mô hình tăng trưởng. Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, là tỉnh công nghiệp nhưng lao động của Đồng Nai chủ yếu là lao động phổ thông. Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tỉnh đang triển khai thu hút đầu tư có chọn lọc thì buộc phải nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ, để bước vào chu kỳ phát triển mới.
Cần giải quyết tận gốc vấn đề
Có các giải pháp mạnh và quyết liệt để tiếp tục đưa kinh tế - xã hội của tỉnh vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ phát triển nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ rất cấp bách.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho rằng, ngoài việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính thì việc phân cấp, phân quyền là rất quan trọng, giúp người dân và DN tiếp cận các thủ tục hành chính thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, phải nắm bắt tâm tư của cán bộ, công chức trước những thay đổi về cơ chế chính sách, bởi do áp lực công việc, lương lại thấp nên không ít người muốn xin nghỉ việc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết công việc của người dân và DN.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện phản ảnh: “Còn tình trạng nhiều kiến nghị bằng văn bản của DN được gửi đi nhưng không nhận được phản hồi. Hay có những chính sách, tỉnh ban hành nhưng DN không biết. Hay có tình trạng DN không dám trình bày những khó khăn khi đối thoại với lãnh đạo tỉnh vì sợ mình bị làm khó. Đây không phải là chủ trương của lãnh đạo tỉnh mà là cán bộ cấp dưới chưa làm hết trách nhiệm, sợ bị DN phản ánh”.
Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, muốn tránh được sự tụt hậu của Đồng Nai so với các tỉnh, thành khác thì phải nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phải rà soát lại các thành phần đánh giá, thành phần nào tốt thì phát huy, còn cái nào yếu, phải chỉ rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào, địa phương nào, đồng thời đưa ra giải pháp thực hiện. Lời nói cần đi liền với hành động, bởi nếu nhận thấy những hạn chế mà không có hành động thì cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới” tổ chức tại Tỉnh ủy mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho hay: “DN chỉ mong muốn khi cán bộ giải quyết hồ sơ, cán bộ sớm trả lời giải quyết được hay không. Nếu được thì DN bỏ tiền ra đầu tư, không thì DN tìm cơ hội khác. Nhưng thực tế vẫn còn tình trạng DN bị “câu rê” năm lần bảy lượt thì mới được. Do đó, cần phải thay đổi, trong đó cần xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh để các sở, ngành, địa phương thực hiện, làm căn cứ để đánh giá”. |
Đặng Công