Đảng ta đã xác định đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, liên quan đến sự tồn vong và phát triển đất nước.
Đảng ta đã xác định đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, liên quan đến sự tồn vong và phát triển đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng hoa chúc mừng các phó trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: S.THAO |
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Tỉnh ủy Đồng Nai đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện nghị quyết này. Từ đó thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của địa phương, đất nước.
Tập trung nâng cao đời sống nhân dân
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW đã xác định lấy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân làm nhiệm vụ trọng tâm, nền tảng để xây dựng khối ĐĐKTDT bền vững. Từ năm 2003 đến nay, kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ và luôn duy trì tốc độ cao qua các năm. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực khác cũng đạt được những kết quả tích cực như Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện đi đầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Sáng ngày 29-3, Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hội nghị nhằm đánh giá thành tựu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và đề xuất kiến nghị để tiếp tục thực hiện hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới. |
Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tham gia các phong trào thi đua, tương thân tương ái. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, 20 năm qua, thực hiện cuộc vận động Vì người nghèo, toàn tỉnh đã vận động được hơn 415,7 tỷ đồng chăm lo công tác giảm nghèo, gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội... Với những hoạt động tích cực chăm lo cho người nghèo, năm 2018, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cấp bằng ghi công cho tỉnh Đồng Nai hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết và xóa xong nhà dột nát cho người nghèo.
Không chỉ chăm lo về vật chất, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn coi trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo mọi chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, với 70% dân số có đạo nhưng theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo nên tình hình tôn giáo ở Đồng Nai khá ổn định, qua đó phát huy sức mạnh của khối ĐĐKTDT. Hàng năm, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các hoạt động từ thiện, bác ái xã hội với tổng trị giá trên 300 tỷ đồng; tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, dân vận khéo... với tổng trị giá khoảng 16 tỷ đồng.
Để phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT, trong Nghị quyết 23-NQ/TW yêu cầu phải xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối ĐĐKTDT.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt thông tin, Ban TVTU luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nhằm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, gần dân, lắng nghe dân và phục vụ nhân dân. Định kỳ hàng quý, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở làm việc với hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể để nắm bắt tình hình nhân dân và chỉ đạo xử lý những vấn đề người dân quan tâm. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy các cấp trong tỉnh duy trì lịch tiếp công dân và đối thoại với nhân dân để xử lý những phản ánh, kiến nghị, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy.
Cần ban hành nghị quyết mới về đại đoàn kết
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, còn không ít vấn đề ảnh hưởng đến khối ĐĐKTDT. Nhiều ý kiến nhận định, một số dự án quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm không triển khai thực hiện đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Việc đền bù, giải tỏa tái định cư ở một số dự án, công trình chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân nên xảy ra không ít khiếu nại đông người, vượt cấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chưa làm việc tận tâm vì dân, vì nước; kỷ cương phép nước có nơi không nghiêm…, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khen thưởng các cá nhân tiêu biểu tại lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ II-2022 |
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tập trung giám sát tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách thủ tục hành chính; việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững; về thu hồi, bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. MTTQ cấp xã, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã; việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đồng thuận xã hội...
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đánh giá, Nghị quyết 23-NQ/TW đã góp phần hết sức quan trọng làm nên những thành tựu có ý nghĩa to lớn trong 20 năm qua. Đặc biệt, 2 năm gần đây, có thể cảm nhận sâu sắc, nhờ tinh thần ĐĐKTDT mà chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khối ĐĐKTDT đang đứng trước những thách thức chưa từng có như: xung đột, chiến tranh ở một số nơi trên thế giới, kinh tế khủng hoảng, biến đổi khí hậu, thiên tai, động đất, doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất phải cho công nhân giãn giờ làm hoặc nghỉ việc...
Bên cạnh đó, hàng ngày, hàng giờ, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của đất nước ta. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Trước những vấn đề trên, Trung ương cần ban hành nghị quyết mới về ĐĐKTDT và bổ sung một số nội dung ĐĐKTDT vào Cương lĩnh của đất nước. Sau khi nghị quyết mới được ban hành phải tổ chức học tập nghiêm túc và đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân để ĐĐKTDT thấm sâu vào máu thịt của từng người dân Việt Nam.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam HUỲNH ĐẢM cho rằng, đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của Việt Nam. Có thể nói, nhờ Đảng lãnh đạo, nhờ sức mạnh khối ĐĐKTDT mà đất nước ta đã đạt được thành tựu to lớn. Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hôm nay. |
Quỳnh Trang