Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn

07:03, 29/03/2023

Mục tiêu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế để bộ máy không "phình to", giảm chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn; nâng cao chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó để các cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

[links()]Mục tiêu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế để bộ máy không “phình to”, giảm chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn; nâng cao chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó để các cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (thứ 4 từ trái qua) gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các cơ quan của tỉnh trong dịp về làm việc tại Đồng Nai, năm 2022
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (thứ 4 từ trái qua) gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các cơ quan của tỉnh trong dịp về làm việc tại Đồng Nai, năm 2022. Ảnh: P.HẰNG

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập chưa phù hợp thực tế, cần tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách làm thật sự khoa học để đạt hiệu quả cao hơn thời gian tới.

Không cào bằng

Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho rằng, trước khi thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố, ở ấp, khu phố có 4 chức danh (bí thư chi bộ; trưởng ấp, khu phố; trưởng ban công tác mặt trận ấp, khu phố và phó trưởng ấp, khu phố). Sau khi thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố thì ở ấp, khu phố chỉ còn 2 chức danh: bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố và trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Do vậy, một số ấp, khu phố có diện tích rộng, dân số đông, nhiều thành phần dân cư sinh sống thì việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi cơ quan, đơn vị ngày càng cao nhưng trong thực tế đã chứng minh một người khó có thể “gánh” được nhiều việc, trong khi vẫn phải tiếp tục tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, vậy nên không cách nào khác là phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người phải chuyên nghiệp lên thì mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành quy định đánh giá cán bộ sát hơn, không thể để người không làm được việc mà ngồi mãi ở vị trí đó, bắt buộc người khác phải choàng gánh công việc cho mình, rồi cuối năm vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, như vậy là không được. Những người không làm được việc, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần tính toán, sắp xếp lại việc làm cho người đó, tránh tình trạng các cơ quan, đơn vị đã xây dựng khung vị trí việc làm nhưng chưa thực hiện đúng.

Thường trực Huyện ủy Long Thành kiến nghị, đối với ấp, khu phố có từ 400 hộ trở lên hoặc từ 2.500 nhân khẩu (nhất là khu vực đông công nhân lao động) nên bố trí thêm chức danh phó trưởng ấp, khu phố. Nên có cơ chế, chính sách phụ cấp tăng thêm đối với các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố. Đối với những nơi thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố nên thực hiện thêm mô hình trưởng ban công tác mặt trận ấp kiêm phó trưởng ấp, khu phố; đồng thời, hỗ trợ thêm một phần phụ cấp kiêm nhiệm cho chức danh này (vì thực tế có trường hợp bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố khi có việc phải về quê dài ngày thì không có người ủy nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của ấp, khu phố, nhất là những việc liên quan thủ tục hành chính phải ký xác nhận giấy tờ cấp bách cho người dân).

Theo Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã có diện tích và quy mô dân số gấp nhiều lần tiêu chuẩn quy định. Riêng ở TP.Biên Hòa, các phường: An Bình, Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong, Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước... mỗi phường có từ hơn 100 ngàn dân trở lên. Trong đó, P.Trảng Dài có gần 130 ngàn dân, được xếp vào hàng “siêu phường” của cả nước vì dân số quá đông.

TP.Biên Hòa đang tính đến phương án chia tách P.Trảng Dài và một số phường có dân số đông, nếu để như hiện nay thì không cách nào quản lý được. Cùng với chia tách phường thì phải tách khu phố, vì hiện nay chỉ cần một khu phố của P.Trảng Dài đã hơn số dân của nhiều phường, xã khác (mỗi khu phố ở Trảng Dài hiện có từ 10-20 ngàn dân).

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh đề xuất, mặc dù đông dân cư, diện tích rộng nhưng các phường như Trảng Dài cũng chỉ được hưởng định suất biên chế tương tự các phường, xã dân số ít. Vì vậy, Trung ương nghiên cứu để có mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phù hợp tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để bộ máy thực sự tinh gọn thì thực hiện nguyên tắc một cơ quan, tổ chức thực hiện nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Quan trọng là đội ngũ nhân sự

Ðể bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngoài việc sắp xếp sao cho hợp lý thì nhân tố quyết định còn ở chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du nhấn mạnh, phải thực chất, khách quan, trung thực trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá; cần đảm bảo các tiêu chí đánh giá tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc, đồng thời là công cụ sàng lọc, phân loại, đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi cơ quan, đơn vị để dành chỗ tuyển dụng người tài.

Quá trình đánh giá, sàng lọc cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, thực sự công tâm, không vụ lợi, không tùy tiện, phải biết vì mục tiêu chung để xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh; thấu hiểu và xử lý tốt các vấn đề trong quan hệ con người khi tinh giản biên chế để người ở lại hay người ra đi đều cảm thấy hợp tình, hợp lý và thuyết phục.

PGS-TS Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, cấp ủy các địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sử dụng cán bộ trẻ có năng lực đảm nhận những vị trí quản lý từ cấp tổ chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên... nhằm xây dựng đội ngũ năng động, sắc bén, tạo động lực, ý chí phấn đấu, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho cán bộ, đảng viên.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà khẳng định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài. Do đó, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, trước dân, làm tốt nhiệm vụ được giao, gắn bó mật thiết và được nhân dân tín nhiệm... Có như thế bộ máy của hệ thống chính trị vừa tinh gọn, vừa hoạt động hiệu quả.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt thông tin, sau khi có Thông báo số 16-TB/TW ngày 7-7-2022 Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Ban TVTU thống nhất: không thực hiện mô hình Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; dừng thí điểm các mô hình: Trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, trưởng ban tổ chức đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra cấp huyện.

Ban TVTU đề nghị các địa phương trong tỉnh đã thực hiện các mô hình này sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị. Chỉ thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện ở thời điểm phù hợp và những nơi đủ điều kiện.

Phương Hằng

Tin xem nhiều