Năm 1989, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát qua đời, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã đánh giá ông là người "làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời…".
Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát |
Năm 1989, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát qua đời, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã đánh giá ông là người “làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời…”.
Làm đẹp cuộc đời sau đó đã được lấy làm tên một cuốn sách do NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 2005 tập hợp các bài viết của những nhà lãnh đạo, những cộng sự, những người từng hoạt động và công tác với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Một cuộc đời cách mạng sôi nổi
Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh đã đánh giá Huỳnh Tấn Phát “là một nhà trí thức cách mạng đáng kính phục”. Là một trí thức cách mạng đáng kính phục bởi ông từng học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, đậu thủ khoa ngành Kiến trúc với cuộc đời đầy xán lạn. Ngay trong lúc văn phòng kiến trúc của ông rất đông thân chủ, ông đã không quan tâm chuyện làm giàu mà quyết định dứt khoát chuyển sang hoạt động chính trị.
Trong bản bổ sung lý lịch của mình, ông Huỳnh Tấn Phát đã viết những dòng sau đây: “Khi còn là học sinh Trường trung học Mỹ Tho, những hoạt động bí mật của anh Phạm Hùng (cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) treo cờ búa liềm trong sân bóng, truyền đơn để dưới gối mỗi giường ngủ, dưới các thau rửa mặt… đập mạnh vào trí óc tôi và những cảnh khủng bố tàn khốc của địch trong phong trào 1930 ở Cai Lậy làm tôi xúc động và bắt đầu nhen nhúm trong tôi ý thức về đấu tranh cách mạng”.
Cùng với các thanh niên trí thức Nam bộ như: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, các ông đã sử dụng tờ Báo Thanh Niên do Huỳnh Tấn Phát sáng lập trước năm 1945 để truyền bá Quốc ngữ, để cổ động, vận động cứu giúp đồng bào miền Bắc trong nạn đói để tuyên truyền cho phong trào Thanh niên Tiền phong mà Huỳnh Tấn Phát là Trưởng ban cổ động. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Huỳnh Tấn Phát đã cùng các anh em đồng chí tập hợp lực lượng tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho lực lượng cốt cán, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn.
Kiến trúc sư HUỲNH TẤN PHÁT sinh ngày 15-2-1913, tại xã Châu Hưng 1, H.Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Ông mất ngày 30-9-1989 tại TP.HCM. |
Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà lãnh đạo giành chính quyền ở Nam bộ khi ấy đã đánh giá Huỳnh Tấn Phát “có công nhất trong việc tổ chức các lớp huấn luyện ở Sài Gòn năm 1945. Công nhất là có đủ can đảm và có đủ khôn khéo để cho một bộ phận quan trọng của tuyên huấn Đảng trước cách mạng được thành công trọn vẹn…”.
Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt, song nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên ông được trả tự do sau 3 ngày giam giữ. Đầu năm 1946, ông bị địch bắt lần thứ 2 ở Sài Gòn và bị kết án 2 năm tù. Trước ngày ông ra tù, báo chí ở Sài gòn đã lên tiếng lên án nhà cầm quyền về hành động này.
Điện Báo số 29, ngày 8-10-1947 đăng trên trang 1: “Hai ông Huỳnh Tấn Phát và Hồ Ngọc Chiếu sẽ bị đưa ra Tòa án quân sự Sài Gòn ngày 20 October tới đây, chừng ấy có lẽ người ta sẽ rõ hai ông bị can vào tội gì vì hơn một năm nay, bị giam cầm, người ta chưa hiểu nguyên do tại sao. Có lẽ người ta bắt tội ông Phát đã là Ủy viên Tuyên truyền Nam bộ và ông Chiếu cũng giữ chức ấy trong địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn?...”.
Trang 1 Điện Báo số 30, ngày 9-10-1947 tiếp tục lên tiếng: “Về trường hợp Huỳnh Tấn Phát. Hơn một năm nay, anh Huỳnh Tấn Phát, một trong những người chỉ huy Đảng Dân chủ Việt Nam ở Nam phần Việt Nam bị bắt. Người ta không hiểu lý do tại sao và tại đâu? Ngoại trừ, chúng tôi biết anh là Ủy viên Tuyên truyền Nam bộ, anh không làm nên một tội gì tất cả”…
Từ năm 1947-1954, trong suốt giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông vẫn bám trụ tại Sài Gòn để làm nhiệm vụ trí vận, báo chí mà Đảng giao phó trên cương vị Bí thư Đảng đoàn Đảng dân chủ Nam bộ.
Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh đánh giá: “Gần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Phát đã ở lại trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác… vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây các phong trào đấu tranh như: “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhân quyền độc lập của Việt Nam…”.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông được phân công hoạt động ở Sài Gòn và sau đó được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn phụ trách Ban Trí vận và chính quyền vận suốt thời gian địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng ở Sài Gòn. Năm 1959, ông ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định)…
Đóng góp lớn lao
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với Chủ tịch là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Huỳnh Tấn Phát.
Tháng 6-1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chủ tịch Đoàn kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.
Nói về quyết định lựa chọn này, thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã viết: “Anh Huỳnh Tấn Phát có một bề dày đấu tranh nổi bật trong nhiều thời gian. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám, cán bộ, bộ đội, nhân dân lao động và trí thức, đặc biệt đồng bào Sài Gòn, thành phố đầu não, biết đến anh. Bên phía chánh quyền Sài Gòn cũng biết anh nhiều, kính nể nhiều. Anh là người có tiếng trước dư luận thế giới, trước báo chí quốc tế. Khi chọn anh, nhân dân miền Nam chấp nhận anh ngay và dư luận thế giới trọng thị… Cách mạng chọn anh chớ không chọn ai khác là có cân nhắc vì vai trò cá nhân của anh, tư cách của anh, con người của anh có cái động viên, cái hòa hợp rất thích hợp với giai đoạn cách mạng này. Con người như thế, ở vị trí đó rất tốt”.
Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó thủ tướng Chính phủ và năm 1977 được phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo quy hoạch đô thị. Năm 1979, ông được phân công kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước và được chỉ định làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV).
Năm 1981, ông được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6-1982, được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước…
Đánh giá về công lao của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với cách mạng, đất nước và dân tộc, tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: dân tộc độc lập, nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Với tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo”.
Hồng Phúc