66 năm trước, với khát vọng trở về với cách mạng, với nhân dân, hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Tân Hiệp (hay còn gọi là Trung tâm Huấn chính Biên Hòa) đã nổi dậy phá khám. Kết quả, đã có 462 cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước thoát khỏi nhà tù.
66 năm trước, với khát vọng trở về với cách mạng, với nhân dân, hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Tân Hiệp (hay còn gọi là Trung tâm Huấn chính Biên Hòa) đã nổi dậy phá khám. Kết quả, đã có 462 cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước thoát khỏi nhà tù.
Đoàn viên thanh niên TP.Biên Hòa tham quan, tìm hiểu lịch sử tại di tích Nhà lao Tân Hiệp. Ảnh: N.Sơn |
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp diễn ra vào ngày 2-12-1956 là cuộc nổi dậy phá khám quy mô lớn, có Đảng lãnh đạo và chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.
Chuẩn bị kỹ lưỡng…
Bà Trần Thị Hòa cho biết, sau khi chuyển quân tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève, một số cán bộ, đảng viên được bố trí ở lại miền Nam tiếp tục bám địa bàn hoạt động, trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và lãnh đạo đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Genève để tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Điều này dẫn đến hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt, giam cầm.
Trong nhà tù, ngoài các cực hình tra tấn dã man, địch còn dùng các thủ đoạn đánh vào tâm lý, tình cảm của những người cộng sản yêu nước. Trước tình hình đó, số cán bộ, đảng viên trong nhà lao Tân Hiệp thầy cần có tổ chức Đảng để lãnh đạo và thống nhất chủ trương hành động của những người cộng sản. Vì vậy, các đảng viên đã tìm cách liên lạc với nhau, tập hợp lại thành tổ chức Đảng trong nhà tù. Có sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên trong nhà lao có chỗ dựa vững chắc về tinh thần và thống nhất về hành động.
Thời gian địch mở chiến dịch Trương Tấn Bửu (chiến dịch triệt phá cách mạng, tàn sát những người yêu nước, khủng bố những người kháng chiến cũ mà chúng gọi là cộng sản hoặc phần tử cộng sản…), Nhà lao Tân Hiệp ngày càng đông cán bộ, đảng viên bị bắt từ các nơi chuyển về. Xuất phát từ nguyện vọng của đảng viên, Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp đã thống nhất vạch ra chủ trương phá khám để các đồng chí đảng viên được trở về hoạt động cách mạng.
Trong cuốn Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 của NXB Đồng Nai (tái bản lần thứ I) năm 2001 ghi rõ: "Chủ trương này được thảo luận trong Đảng ủy rất kỹ và đi đến thống nhất kế hoạch hành động… Các đồng chí trong Đảng ủy nhà tù lợi dụng lúc địch cho ra khỏi phòng giam như khi đi ăn, sinh hoạt văn hóa - thể thao… để quan sát tình hình xung quanh nhà tù và nghiên cứu tỉ mỉ. Sau 2 tháng đã thống nhất vạch ra kế hoạch, phân công, bố trí lực lượng, chọn thời điểm phá khám. Đảng ủy cũng chỉ đạo cho chi ủy các trại bí mật tuyển chọn những đảng viên khỏe mạnh, hăng hái, xuất thân từ bộ đội, du kích, có kinh nghiệm chiến đấu đưa vào đội xung kích làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy phá khám, có phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, đội xung kích chia thành 4 mũi, mỗi mũi đảm nhận một mục tiêu quan trọng là kho súng, nhà giám đốc, khống chế một số lô cốt và chiếm cổng nhà lao…".
Không dừng lại đó, Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp còn phân công người dẫn đường khi ra khỏi nhà lao; phân công người sức khỏe yếu, không có khả năng vượt ngục ở lại đấu tranh với địch sau cuộc phá khám; chỉ đạo đấu tranh hòa hoãn với địch, tạo điều kiện cho các chiến sĩ rèn luyện thể lực chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Thậm chí, còn làm công tác binh - địch vận trong nhà tù nhằm tạo thuận lợi cho cuộc vượt ngục…
Cuốn Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 ghi: "…đến tháng 11-1956, mọi kế hoạch tổ chức nổi dậy phá khám Tân Hiệp đã cơ bản hoàn thành. Đảng ủy hạ quyết tâm thực hiện chủ trương đã đề ra. Khoảng ba trăm đảng viên được tuyển chọn đều là những người đủ sức khỏe, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới khi thời cơ đến".
…để có 40 phút lịch sử
Trong cuốn Đất Mẹ ghi lại hồi ức của ông Nguyễn Văn Thông (tên thường gọi là Hai Thông) do NXB Đồng Nai ấn hành có đoạn: Chiều 30-11-1956, ông Hai Thông nhận được lệnh 17 giờ 30 ngày 1-12, khi nghe tiếng kẻng thì lập tức hành động đúng kế hoạch, mục tiêu. Đúng 17 giờ ngày 1-12, với nhiệm vụ được phân công đánh vào kho để lấy súng, khống chế lô cốt và tổ chức mở cổng, mũi xung kích do ông Hai Thông phụ trách có mặt tại vị trí quy định. Tuy nhiên, chiều 1-12, địch tăng cường hoạt động nên kế hoạch nổi dậy hoãn lại.
Mặc dù gặp tổn thất, hy sinh nhưng cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp đã đạt được kết quả to lớn. Trong đó, có 462 chiến sĩ đã thoát khỏi sự giam cầm của địch, trở về với Đảng, với nhân dân; thu được một số vũ khí góp phần trang bị cho lực lượng vũ trang các tỉnh Đông Nam bộ… |
Kế hoạch hoãn lại trong tâm thế vô cùng lo lắng, bất an của các chiến sĩ cộng sản. Trong cuốn Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 viết: "Đêm 1-12 là đêm đầy trăn trở, băn khoăn suy nghĩ và không ngủ được của những người sắp sửa hành động trong nhà tù. Mỗi người tự trấn an tinh thần để vượt qua một đêm dài căng thẳng… Ngày 2-12, Nhà lao Tân Hiệp vẫn bình lặng như mọi ngày. Đúng 17 giờ 30, tiếng kẻng vang lên, tiếng hô xung phong chợt vang dậy, 4 mũi xung kích xông vào các mục tiêu. Cánh cổng nhà lao mở ra, anh em tù nhân từ các trại ào ạt tuôn ra cửa".
Ông Lê Kim Tiến (ngụ P.Xuân Lập, TP.Long Khánh) - nhân chứng tham gia cuộc vượt ngục cách đây 66 năm kể lại, ông bị địch bắt ở Lộc Ninh (Bình Phước). Đầu năm 1956, địch đưa ông về Nhà lao Tân Hiệp. Trong nhà tù, địch luôn rình rập, theo dõi từng thái độ và hành động của tù nhân thông qua lực lượng tố cộng. Vì vậy, kế hoạch nổi dậy chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp. Khi đó, ông chưa là đảng viên nên không biết kế hoạch nổi dậy phá khám. Tuy nhiên, thời gian trước đó, cứ giờ sinh hoạt hoặc lao động chung, ông quan sát thấy một số người tập chạy, đi chân không, rèn luyện thể lực… Ông đoán có việc gì đó sắp diễn ra nên cũng nhắn người nhà chuẩn bị cho bộ quần áo đề phòng lúc cần dùng đến. Vì vậy, khi nghe tiếng "xung phong" vang lên, cổng nhà lao mở ra, ông là một trong những người đầu tiên chạy ra khỏi cổng.
Theo sử sách ghi chép lại, 15 phút đầu tiên, lực lượng xung kích của ta làm chủ tình hình. Bọn chỉ huy và lính gác ở nhà lao bị bất ngờ nên vô cùng hốt hoảng, chỉ lo bảo toàn mạng sống nên không hành động chống trả. Sau đó, chúng bình tĩnh và nổ súng phản kích, truy đuổi khiến cho lực lượng của ta bị thương, hy sinh khá nhiều. Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp diễn ra trong khoảng 40 phút, đến 18 giờ 30 phút, toàn bộ số tù nhân còn lại đã bị địch gom vào các trại cho binh lính canh giữ nghiêm ngặt.
Những người vượt ngục trên đường trở về với cách mạng, với nhân dân cũng trải qua vô vàn ác liệt, hy sinh.
Nhớ lại thời điểm ấy, ông Lê Kim Tiến cho biết, không thông thạo địa hình, lại bị địch bủa vây lùng sục khắp nơi nên nhóm của ông phải chia nhỏ để đi và mất cả tháng mới vượt sông Đồng Nai về tới Chiến khu Đ. Sau đó, với chủ trương ai ở địa phương nào về địa phương đó, ông Tiến tìm đường về Lộc Ninh (Bình Phước) nhưng thấy địch dán hình truy nã khắp nơi nên trốn lên Tây nguyên tạm lánh. Được địa phương giới thiệu, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ điệp báo - nắm tình hình địch, trừ gian diệt ác...
Nga Sơn