Trong những năm qua, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư cho công tác cải cách hành chính (CCHC). Năm 2021, tỉnh được xếp ở tốp 10 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (SIPAS).
Trong những năm qua, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư cho công tác cải cách hành chính (CCHC). Năm 2021, tỉnh được xếp ở tốp 10 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (SIPAS).
Cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa xã Quang Trung (H.Thống Nhất) tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: C.NGHĨA |
Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) Đồng Nai lại tụt xuống vị trí 55/63 tỉnh, thành, cho thấy tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
* Nỗ lực phục vụ người dân
Theo Sở Nội vụ, đến nay 170 phường, xã, 11/11 đơn vị cấp huyện đều có bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ thục hành chính (TTHC). Đặc biệt, một số địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng bộ phận một cửa hiện đại gắn với trung tâm điều hành thông minh, trong đó có TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh là 2 địa phương đầu tiên đã đưa vào hoạt động trung tâm điều hành thông minh. UBND tỉnh cũng đầu tư xây mới và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công mới hiện đại tại P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa).
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Khen thưởng phải đi đôi với kiểm điểm làm rõ trách nhiệm Sở Nội vụ phải tăng cường công tác thực hiện nền nếp công vụ và công tác CCHC. Những đơn vị, địa phương làm tốt công tác này phải tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Ngược lại, nếu làm chưa tốt thì nhất định phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Không làm tốt công tác CCHC chẳng những ảnh hưởng đến xếp hạng của tỉnh về công tác này mà sâu xa hơn còn ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, người dân. |
Bên cạnh đó, Đồng Nai đã ứng dụng mạnh giải quyết TTHC trực tuyến ở mức độ 3-4 với trên 900 bộ thủ tục, giúp người dân giải quyết thủ tục tại nhà thông qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Điều này giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm cho cả cơ quan nhà nước, hướng tới mục tiêu là minh bạch, tận tụy và chuyên nghiệp.
Chị Vũ Thị Kim Oanh, nhân viên Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho biết, khi công ty có chuyên gia nước ngoài sang làm việc, thay vì phải đến cơ quan chức năng khai báo, cán bộ nhân sự công ty có thể khai báo tạm trú trực tuyến. Các chuyên gia nước ngoài đã đánh giá cao cải cách TTHC về khai báo tạm trú khi có mặt tại Việt Nam.
Tương tự, chị Lê Phúc Nguyên Sa (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, chị đã làm thủ tục khai sinh cho con trên Cổng dịch vụ công mà không phải đi đến phường.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, hoạt động đăng ký kinh doanh hiện tại có độ mở rất thoáng. Người dân có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng tại Cổng dịch vụ công của tỉnh. Khi hồ sơ được tải lên cổng, cán bộ, nhân viên các bộ phận sẽ xử lý. Hồ sơ xử lý đến đâu sẽ được lãnh đạo theo dõi, cán bộ, nhân viên nếu xử lý chậm thì phải chịu trách nhiệm giải trình cụ thể.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo cho hay, nhiều sở, ngành trước đây còn phải cử cán bộ trực ở Trung tâm Hành chính công tỉnh để tiếp nhận và giải quyết TTHC, nhưng nay không cần cử cán bộ trực nữa, vì đã có gần 100% thủ tục được giải quyết qua mạng. Việc không phải cử cán bộ trực tại Trung tâm Hành chính công tỉnh là bước tiến của các đơn vị trong giải quyết TTHC, từ đó tạo không khí thi đua cho các sở, ngành khác.
* Khắc phục những điểm yếu
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Nội vụ công bố xếp hạng Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Trong đó, chỉ số hài lòng của người dân đạt 89,48% (xếp hạng 10/63, tăng 5 bậc so với năm 2020). Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là chỉ số CCHC của Đồng Nai lại giảm 21 bậc xuống vị trí 55/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là năm Đồng Nai có chỉ số CCHC giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2021 giảm 2 bậc, từ vị trí 21 xuống vị trí 23.
Theo phân tích của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, nguyên nhân giảm điểm và hạng về Chỉ số CCHC năm 2021 so với năm 2020 do có một số tiêu chí chưa đạt như: thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đạt 10/20 nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn, từ đó bị trừ 0,75 điểm. Công tác cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bị trừ 1,63 điểm. Trong khi đó, công tác cải cách tài chính công bị trừ 2,86 điểm; mức độ thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh bị trừ 2,49 điểm…
Theo chỉ đạo của đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, để cải thiện tình hình, trong 6 tháng cuối năm 2022, các sở, ngành phải tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Cần lưu ý các nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực. Tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát đúng quy định. Các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nội dung áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001). Triển khai và theo dõi các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy giao đến các sở, ngành và địa phương; báo cáo tiến độ thực hiện tại cuộc họp giao ban hằng tháng của tỉnh.
Công Nghĩa