Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Góp sức phòng, chống dịch bệnh

06:04, 20/04/2022

Đồng Nai hiện có hơn 206 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây được xem là 206 cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đồng Nai hiện có hơn 206 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây được xem là 206 cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bài 1: Góp sức phòng, chống dịch bệnh

Một trong những đóng góp tích cực của người uy tín trong thời gian qua là đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đồng bào DTTS chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang tuyên dương, khen thưởng người có uy tín. Ảnh: S.Thao
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang tuyên dương, khen thưởng người có uy tín. Ảnh: S.Thao

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, những cố gắng của người có uy tín đã giúp đồng bào DTTS nhận thức đầy đủ về nguy cơ, sự ảnh hưởng của dịch bệnh, giúp bà con không lơ là, chủ quan, tự ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, khi tỉnh ban hành quyết định tạm dừng tổ chức các lễ hội truyền thống, sinh hoạt tôn giáo thì chính những người uy tín là những tuyên truyền viên giúp dân an tâm chấp hành quy định của Nhà nước.

* Giúp dân an tâm phòng dịch Covid-19

Theo Giáo cả Áp Đô Ha Mít (thánh đường Hồi giáo ở ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc), ngay khi chính quyền địa phương triển khai quy định về tạm dừng tổ chức các lễ hội truyền thống, bản thân ông cùng Ban giáo cả đã chấp hành; đồng thời vận động, thuyết phục bà con đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhờ vậy mà tạo được đồng thuận cho bà con trong việc không hành lễ tại giáo đường, thay bằng thực hiện lễ tại nhà. Bên cạnh đó, bản thân ông cùng Ban giáo cả vận động, hướng dẫn bà con nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng, tăng cường vệ sinh môi trường khu dân cư.

Ban Dân tộc tỉnh cho hay, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, Đồng Nai có hơn 2 ngàn ca mắc Covid-19 là người DTTS. Từ đó, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh có phần quà hỗ trợ cho người bị nhiễm bệnh cũng như tử vong do Covid-19 là đồng bào DTTS. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, vận động 3 tấn gạo để góp phần cùng với địa phương chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS ở khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế…

Ông Châu Ha Liêm (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng) cho hay, gần 70 tuổi nhưng đây là lần đầu ông chứng kiến dịch bệnh khiến người dân phải ở nhà trong thời gian dài vì giãn cách xã hội. Nhất là việc sinh hoạt tôn giáo bị gián đoạn rồi tạm dừng khiến ông rất tâm tư. Nhưng thông qua giáo cả và Ban giáo cả, những băn khoăn về việc này đã được giải quyết bằng cách phù hợp. Qua đó, vừa đảm bảo tuân thủ phòng dịch với mục đích bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, vừa tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt tôn giáo của mình.

Còn ông Đô Hô Sên, người uy tín trong đồng bào Chăm ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) cho biết, cũng giống như đồng bào Chăm ở H.Xuân Lộc, khi chính quyền địa phương thông báo tạm ngưng hoạt động tôn giáo tại giáo đường, bà con khá hoang mang. Nhưng sau khi được ông Đô Hô Sên cùng Ban giáo cả tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh gây ra cho sức khỏe nhân dân dẫn đến chính quyền đưa ra quyết định này, bà con đã
chấp hành nghiêm túc.

Cũng trong thời điểm dịch bệnh, đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn có đến ca 30 F0, 27 người là F1. Theo ông Đô Hô Sên, lúc đầu người bệnh và người là F1 không chịu đi cách ly vì lo sợ vào khu cách ly tập trung sẽ bị lây nhiễm chéo. Rồi lo ngại việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày có thể bị ảnh hưởng khi đi cách ly vì đồng bào Chăm không sử dụng thịt heo, rồi việc chăn nuôi, rẫy vườn không người chăm sóc…

Để bà con yên tâm điều trị bệnh cũng như cách ly theo quy định, ông chủ động phân công người khỏe mạnh trong cộng đồng đảm nhận thay công việc vườn rẫy. Bên cạnh đó, những trường hợp tiếp xúc gần với F0, thông qua sự thống nhất giữa chính quyền, chức sắc, bà con được tạo điều kiện cách ly, theo dõi tại thánh đường Hồi giáo trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm giúp bà con yên tâm về vấn đề ăn uống, ông cùng chính quyền địa phương, bệnh viện thống nhất để đồng bào ở làng nấu từng phần ăn rồi đưa đến bệnh viện, nơi cách ly cung cấp cho bà con. Nhờ đó mà tinh thần bà con ổn định, yên tâm chữa bệnh, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.

* Khuyến khích bà con tham gia tiêm chủng

Già làng Chơro (ở xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) Nguyễn Văn Long cho biết: “Khi nghe đài, báo, mạng xã hội đăng thông tin có người sốc thuốc sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 dẫn đến tử vong, bà con hoang mang không dám đi tiêm vaccine. Lúc đó, tôi lại đến từng nhà nói chuyện. May sao có con trai cũng là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp nên 2 cha con cùng sát cánh với nhau đi tuyên truyền”.

Đồng Nai có 50 thành phần DTTS với gần 199 ngàn người, chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh.

Liên tục một thời gian dài trên chiếc xe máy, 1 già làng và 1 cán bộ Mặt trận cơ sở là 2 cha con lại rong ruổi đến từng nhà đồng bào vừa tuyên truyền, vừa khuyên nhủ ai đủ điều kiện theo quy định thì đi tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19.

Tương tự, khi kêu gọi đồng bào đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, ông K’Luận, người uy tín trong đồng bào Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú) mất rất nhiều công sức, thời gian. “Khi tiêm mũi 1, rồi mũi 2, người dân nghe tiêm vacccine xuất xứ từ Trung Quốc là từ chối. Rồi lo sợ tác dụng phụ của thuốc nên thời điểm đó, số người trong 180 hộ đồng bào Mạ chịu tiêm vaccine rất ít” - ông K’Luận bày tỏ.

Để cùng với địa phương giải quyết vấn đề này, ông K’Luận đã chủ động tìm đến từng cụm dân cư để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Vấn đề nào thuộc phạm vi hiểu biết và trách nhiệm của cá nhân người uy tín được ông giải pháp ngay; còn những nội dung khác, ông kịp thời truyền đạt đến chi bộ ấp, chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết cho bà con.

Bà Ka Tờ (70 tuổi, dân tộc Mạ) cho biết, lúc nhà nước mới bắt đầu cho tiêm vaccine ngừa Covid-19, bà nghe đồn tiêm vaccine rất nguy hiểm, chưa chết do bệnh nhưng có khi chết vì tác dụng phụ của thuốc, lúc đó bà rất lo. Nhưng rồi thông qua ông K’Luận, bà biết tiêm vaccine là giải pháp an toàn nhất để phòng bệnh nên khi Nhà nước tổ chức tiêm vaccine cho đồng bào DTTS ở đây là bà tham gia ngay.

* Vận động hỗ trợ người khó khăn

Cũng trong thời điểm dịch bệnh, người có uy tín còn là những cầu nối vận động nguồn lực xã hội để trợ giúp người khó khăn trong cộng đồng. Như bản thân ông K’Luận đã vận động được bạn bè đóng góp 40 phần quà với mỗi suất trị giá 400 ngàn đồng để trao cho bà con khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông K’Luận kể: “Thời điểm đó, Nhà nước phải gồng mình lo cho dân rất nhiều thứ nên mình phải chủ động những gì có thể làm được để cùng Đảng, Nhà nước giúp bà con trong cộng đồng lúc khó khăn. Vậy là qua kêu gọi từ bạn bè, người thân, nhiều phần quà đã đến với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.

Còn ông Gịp Sau Hìn, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Hoa ở ấp Trung Tâm (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) đã phối hợp, hỗ trợ cùng ban ấp thông tin có hiệu quả tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bản thân ông còn phối hợp với ban ấp tham gia vận động đồng bào DTTS đóng góp hỗ trợ cho hộ gia đình khó khăn với số tiền 23,5 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng rất có ý nghĩa trong điều kiện đời sống kinh tế các gia đình DTTS bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi nông sản làm ra không thể chuyển đi nơi khác bán được; tích lũy nhỏ của mỗi gia đình cạn dần khi một thời gian dài cả nhà không thể lao động kiếm thu nhập…

Một người có uy tín cũng ở xã Thanh Bình là ông Sỳ Văn Hưng (dân tộc Sán Dìu), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, đã kết nối đồng bào các dân tộc: Sán Dìu, Hoa, Tày, Nùng cùng tham gia góp trái cây, rau củ, gạo để trợ giúp người khó khăn tại cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Sỳ Văn Hưng nói: “Ở địa phương hầu như các gia đình có rẫy, ruộng đều tự chủ được rau, trái cây trong thời điểm dịch bệnh. Qua nắm bắt mong muốn của bà con muốn góp những gì mình có để giúp người ở trọ, gia đình khó khăn ở xã và những hộ khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi đã kết nối bà con có khả năng đóng góp để tạo ra nguồn lực góp phần cùng chính quyền địa phương hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống người dân”.

Ông ĐÀO VĂN PHƯỚC, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào DTTS

Người có uy tín đã đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, người có uy tín đã làm tốt vai trò nắm bắt tâm tư, tình cảm, mong mỏi của đồng bào DTTS. Qua đó, kịp thời chuyển những kiến nghị của bà con đến cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm nhanh chóng đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân theo quy định. Nhiều người uy tín còn lăn xả cùng chính quyền các cấp tham gia phòng tuyến chống Covid-19, kịp thời ổn định tâm lý người dân đồng bào DTTS trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh NGUYỄN VĂN KHANG: Phát huy có hiệu quả vai trò cầu nối

Năm qua, người có uy tín tiếp tục đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, mỗi người có uy tín đã phát huy vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với đồng bào DTTS trong việc thực hiện các hoạt động xây dựng, phát triển địa phương, cũng như nâng cao đời sống nhân dân.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, người có uy tín đã tham gia vận động nguồn lực cũng như hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Văn Truyên - Nguyễn Phượng

Bài 2: Đầu tàu trong xây dựng quê hương

Tin xem nhiều