Báo Đồng Nai điện tử
En

Sao chưa loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A?

05:11, 13/11/2012

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ngày 12-11 đã kéo sang buổi chiều, bởi các câu hỏi “bất tận” của các đại biểu (ĐB) về những vấn đề trọng yếu của ngành: tồn kho, xuất khẩu, suy giảm sản xuất, quản lý xăng dầu…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ngày 12-11 đã kéo sang buổi chiều, bởi các câu hỏi “bất tận” của các đại biểu (ĐB) về những vấn đề trọng yếu của ngành: tồn kho, xuất khẩu, suy giảm sản xuất, quản lý xăng dầu…

Một trong những điều mà cử tri Đồng Nai quan tâm nhất tại kỳ họp thứ 4 này là việc triển khai dự án thủy điện 6 và 6A sau “cuộc chiến thông tin” giữa tập đoàn Đức Long và một số cơ quan truyền thông diễn ra mới đây. Nhất là khi tập đoàn này cho rằng, Đồng Nai và vài tỉnh khác chưa “nắm rõ thông tin” về tác động của 2 dự án.

Cần đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện

Trong phần chất vấn của mình, ĐB Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai) thẳng thắn: “Từ cuối 2009 đến nay, Bộ Công thương đã tích cực rà soát, loại bỏ trên 100 dự án thủy điện vì nhiều lý do. Vậy các dự án 6 và 6A tại sao vẫn chưa được rà soát, loại bỏ? Liệu đây là sự lãng quên vô tình bởi 2 dự án này phải hy sinh một diện tích rất lớn rừng đặc dụng và rừng phòng hộ?”. Nêu lên một số cơ sở pháp lý để chứng minh rằng 2 dự án này cần được liệt vào danh sách bị loại bỏ, ĐB Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ ràng quan điểm của Bộ Công thương về dự án này ra sao?

Lý giải cho việc tại sao chưa đưa 2 dự án vào diện loại bỏ quy hoạch, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đây là các dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, và hiện vẫn đang trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, do Bộ Tài Nguyên - môi trường đứng ra thẩm định. “Với công suất 1 tỷ kWh thì 2 dự án này là dự án quy mô lớn, do đó sau khi thẩm định mà thấy tác động về xã hội và môi trường là quá lớn, thì Thủ tướng sẽ xem xét và cân nhắc lại việc đầu tư” - Bộ trưởng  Hoàng trả lời. Theo đó, quan điểm của Bộ Công thương là sẽ dừng dự án nếu tác động về mặt xã hội và môi trường quá lớn.

Vẫn tỏ ra sốt ruột với 2 dự án trên, vì quan điểm của Đồng Nai là không ủng hộ việc triển khai dự án bởi cái giá phải trả là quá lớn, trong buổi chiều, ĐB Trương Văn Vở tiếp tục đặt lại câu hỏi. ĐB yêu cầu Bộ trưởng lý giải về cơ sở pháp lý của 2 dự án và vẫn đề nghị đưa các dự án trên vào danh mục loại bỏ. Bộ trưởng  Vũ Huy Hoàng phải tái khẳng định là dự án hiện vẫn đang trong quá trình đánh giá báo cáo tác động môi trường. Bước này chưa xong thì chưa thể trình Thủ tướng và Quốc hội để xem xét. Và theo Bộ trưởng thì “quy trình xét duyệt 2 dự án này không có gì sai so với bình thường”. Bộ trưởng một lần nữa hứa chắc là sẽ dừng dự án nếu tác động quá lớn đến xã hội, môi trường.

Liên quan tới thủy điện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện Chính phủ và Bộ Công thương đang rà soát xem xét lại, đến nay được hơn 100 dự án và từ nay đến sang năm tiếp tục rà soát. Theo đó, đến kỳ họp thứ 6 sẽ có báo cáo cụ thể. Đến hết năm 2013 thì công tác rà soát phải xong. “Dự án nào tiếp tục thì dứt khoát phải bảo đảm an toàn về rừng, tái định cư… và cuối 2013 sẽ quyết định cái nào tiếp tục, cái nào dừng, cái nào phải điều chỉnh…” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hàng gian, hàng giả: Làm thật ăn cháo, lếu láo ăn cơm!

Chưa khi nào vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu… lại được các ĐB “xoáy” mạnh như tại kỳ họp lần này. “Quyền lợi người tiêu dùng đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng vì hàng nhái, hàng giả, thuốc chữa bệnh khó kiểm soát. Giá xăng dầu chất lượng không đảm bảo gây nguy hiểm cho người sử dụng có biểu hiện của lợi ích nhóm. Nhiều loại trái cây có chất độc hại, người tiêu dùng mua không dám mua, ăn không dám ăn, còn người sản xuất chân chính bức xúc: người trung thực phải nộp thuế, người làm gian không phải đóng thuế. “Làm thật ăn cháo, lếu láo ăn cơm!”, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) chất vấn thẳng thừng. Một số ĐB khác cũng tỏ ra rất “nóng ruột” trước tình hình này.

Tuy nhiên, phần trả lời cho vấn đề hàng giả tràn lan của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại không được nhiều ĐB đồng tình. Một số ĐB đã đặt lại câu hỏi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhắc đi nhắc lại nguyên nhân khiến hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan là do “sự yếu kém của lực lượng quản lý thị trường”. Bên cạnh đó, Chính phủ tuy đã thành lập Ban chỉ đạo 127 ở Trung ương và các địa phương song hoạt động vẫn rất hạn chế. Ngoài các biện pháp siết chặt, kiểm tra, kiểm soát, Bộ trưởng  cũng kêu gọi người tiêu dùng bày tỏ thái độ tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng để góp phần thanh lọc thị trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng năm sau phải có chuyển biến rõ rệt về vấn đề này.

Vi Lâm

“Lùm xùm” quản lý xăng dầu

Vấn đề quản lý thị trường xăng dầu lại tiếp tục nóng tại nghị trường lần này. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi thẳng thắn pha chút hài hước: “Giá xăng giảm từ quý III năm ngoái đến nay, sau đó tăng vùn vụt. Hôm qua xăng dầu lại giảm 500 đồng. Cứ trước mỗi kỳ họp là giá xăng dầu giảm nhẹ. Đây là ngẫu nhiên hay là phản ứng linh hoạt của 2 Bộ trưởng? Còn Nghđịnh 84, đã hứa từ lâu nhưng chừng nào mới sửa ?”

Khẳng định không có chuyện “linh hoạt” đây, cả Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và người đồng nhiệm Vương Đình Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính) khẳng định vẫn đang tích cực thực hiện lộ trình sửa đổi Nghđịnh 84. Liên quan đến vấn đề tạm nhập - tái xuất xăng dầu, theo các Bộ trưởng thì đây là hoạt động bình thường và không bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đây là hoạt động bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng nhập rồi nhưng không xuất hết, để lại tiêu thụ trong nước. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng lượng xăng dầu chưa xuất, còn tồn lại ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% tổng tiêu thụ xăng dầu cả nước.

 

Tin xem nhiều