Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Nghiêm túc tự phê bình và phê bình

10:09, 07/09/2012

Tự phê bình và phê bình được xem như là một phương thuốc để chữa các “bệnh khuyết điểm” của tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên…

Tự phê bình và phê bình được xem như là một phương thuốc để chữa các “bệnh khuyết điểm” của tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên…

* Đấu tranh ngay với bản thân mình

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự phê bình là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa; ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ, thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn; người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình, không thực hành tự phê bình thì không xứng đáng là người cách mạng. “Khi tự mình kiểm điểm cũng như tự phê bình trước mọi người, có khuyết điểm gì thì nói hết, không giấu giếm; phải tìm cho ra vì sao mà có sai lầm, khuyết điểm, và sai lầm khuyết điểm ấy như thế nào, dùng biện pháp gì để sửa chữa và phải kiên quyết khắc phục, sửa chữa ra sao?

Đồng chí Nguyễn Duy Việt, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại Viễn thông Đồng Nai, tháng 7-2012 Ảnh: Bùi X. Khoa
Đồng chí Nguyễn Duy Việt, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại Viễn thông Đồng Nai, tháng 7-2012 Ảnh: Bùi X. Khoa

 Tuy nhiên, trong thực tế, tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm tưởng chừng như đơn giản nhưng thật không hề đơn giản, vì trong mỗi con người luôn sẵn có lòng tự ái, vì sĩ diện, vì sợ mất uy tín hoặc có khi vì một nguyên nhân nào đó mà không dám công khai nhận khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa. Vì vậy, tự phê bình, thật sự là một cuộc đấu tranh ngay với chính bản thân mình (giữa những mặt, những khuynh hướng, những yếu tố tích cực, tiến bộ với những mặt, những khuynh hướng, những yếu tố tiêu cực, trì trệ). Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tự giác, phải có bản lĩnh và dũng khí tự phê bình trước những hạn chế, khuyết điểm của mình; nếu không có dũng khí để tự giác nhận khuyết điểm, tự mình cải tạo mình, khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm của bản thân thì chắc có lẽ cũng không thể làm điều gì tốt hơn cho tổ chức, cơ quan, đơn vị và lớn hơn là phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Vì vậy, đã là cán bộ, đảng viên thì nhất định phải thường xuyên tự phê bình, phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để tiến bộ, như “ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”.

Tại Đồng Nai, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 71-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chắc chắn sẽ đáp ứng được sự mong mỏi, chờ đợi của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Việc thực hiện nghiêm túc cũng mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và góp sức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015.

Song song với thực hành tự phê bình trong sinh hoạt đảng là phê bình. Ý nghĩa của việc phê bình đã được Bác Hồ ví dụ một cách rất sinh động và gần gũi : “Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy, đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói rõ ràng, thiết thực: vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào?... Và khi nói nên có thái độ đúng mực. Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa cho sạch. Nếu đồng chí nào bảo mà tôi không vui lòng rửa sạch (thậm chí còn oán trách đồng chí), tức là tôi cố ý mang vết nhọ suốt đời. Hai điều ấy đều vô lý” và Người cũng cho rằng “cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm, thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

* Nghiêm túc tự phê bình và phê bình

Mục đích của phê bình là nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau cùng tiến bộ, để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau, thổi phồng khuyết điểm hoặc lợi dụng phê bình để hạ bệ nhau. Phê bình là thuốc để nhằm “trị bệnh, cứu người”, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, đúng mực, nghiêm túc mà khoan dung, tự giác, tự nguyện và trung thực, có phê phán, có đấu tranh để xây dựng, để đoàn kết vì lý tưởng và lợi ích chung. Phê bình phải với tinh thần thương yêu đồng chí, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, vừa có tình, vừa có lý; không phê bình có ý mỉa mai, bới móc, “vạch lá tìm sâu”. Phê bình còn là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt của Đảng, là thực hành dân chủ trong Đảng; những cán bộ, đảng viên thấy việc sai mà không phê bình, đấu tranh tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình, đồng thời cũng là gián tiếp để cho những sai trái đó có điều kiện tồn tại và phát triển, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

* Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ  tỉnh: Vừa kiểm điểm vừa phải xử lý

Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt ra 3 vấn đề cấp bách, gồm: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đặt ra vấn đề này, mà đã có nhiều cuộc vận động, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng trong nhiều năm, nhiều kỳ đại hội. Tuy nhiên, trước đây chúng ta làm chưa tới nơi, gây mất lòng tin ở nhân dân. Nếu mất lòng tin ở nhân dân, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ Đảng?

Để lấy lại lòng tin của nhân dân, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy Đảng là việc phải làm. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả, người đóng góp ý kiến phải hết sức chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng Đảng. Nếu như khuyết điểm nào đã rõ ràng phải tiến hành xử lý ngay chứ không chờ kiểm điểm xong mới tiến hành xử lý, như thế sẽ không thuyết phục được nhân dân. Nếu làm đúng lộ trình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đề ra một cách đồng bộ, tôi tin rằng vấn đề xây dựng Đảng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Riêng đối với cấp tỉnh, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình nên vận dụng sáng tạo cách tổ chức, giải quyết của Trung ương, áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, cần công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề thu nhập, tài sản  cá nhân của cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở để giải tỏa những thắc mắc của dân. Càng công khai, minh bạch, cán bộ, đảng viên càng nhận được sự tín nhiệm của nhân dân.

Đội ngũ cán bộ đòi hỏi phải vừa có tâm lại vừa có tầm. Có tâm là ý thức phục vụ nhân dân, còn có tầm chính là năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nghệ thuật lãnh đạo và phải được bố trí một cách tương xứng, đủ sức gánh vác mọi nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Trong đó, người đứng đầu quan trọng bậc nhất, bởi người đứng đầu phải cao hơn một cái đầu để điều hành tất cả mọi việc và phải dám chịu trách nhiệm.

Để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4, trước mắt còn rất nhiều khó khăn, là quá trình lâu dài. Tuy nhiên, cái nào làm trước được thì làm, nhưng làm phải cụ thể, hành động phải cương quyết, làm dứt điểm từng việc để đảng viên và quần chúng nhân dân thấy rằng dù việc lớn hay việc nhỏ cũng luôn được Đảng quan tâm.

Nguyễn Tuyết (ghi)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thái Bảo

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều