Sáng 12-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội |
Có 94 đại biểu đăng ký chất vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng về các nội dung liên quan đến chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Mạng xã hội ra đời lấy mất nghề của báo chí”
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) chỉ ra thực tế mạng xã hội phát triển mạnh mẽ kéo theo nhiều tin giả, tin xấu, độc, cạnh tranh với báo chí chính thống. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để quản lý mạng xã hội?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.
Về những giải pháp mới, theo ông Hùng là phải hoàn thiện thể chế. Trước đây chúng ta mới quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật. Trong nghị định mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ông Hùng nói, trước đây chúng ra nghĩ quản lý mạng xã hội là trách nhiệm quản lý của nhà nước nhưng thực ra trách nhiệm lớn thuộc về các nền tảng xã hội. Họ có không gian riêng, có thuê bao riêng và có hàng trăm triệu, hàng tỷ người dùng. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Vấn đề truyền thông rất quan trọng, để mọi người biết kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng "đề kháng" trên không gian số. Bộ Thông tin và truyền thông đang tập trung vào 3 nhóm vấn đề, trong đó có việc khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu độc sẽ có nơi để phản ánh. Bộ đã thành lập và vận hành Trung tâm Chống tin giả quốc gia. Các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng “người người làm báo, nhà nhà làm báo”, đưa thông tin sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Mạng xã hội ra đời đã lấy mất nghề của báo chí, đó là đưa tin. Mạng xã hội có hàng chục triệu “phóng viên” ở khắp mọi nơi. Báo chí muốn giữ vững trận địa phải đưa tin có tính xác thực, chính xác, khách quan, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá, kể câu chuyện, bình luận, dẫn dắt xã hội”.
Ông Hùng cho hay, trước đây báo chí là lực lượng chủ đạo thì nay, thông tin báo chí phải định hướng dòng chảy chính trên không gian mạng. Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam xác định đây là định hướng chính để khẳng định vị trí, vai trò của báo chí. Báo chí phải làm khác mạng xã hội, sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là môi trường để báo chí xuất hiện, để phổ cập báo chí tốt hơn, giữ vững trận địa của mình không chỉ trong đời thực mà cả trên không gian mạng.
Về tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Bộ trưởng NGUYỄN MẠNH HÙNG cho biết, có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, mà không biết rằng thu thập thông tin cần xin phép, khi thu thập thông tin phải có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công…
Có tình trạng doanh nghiệp tác động đến cơ quan báo chí
Một số đại biểu lo ngại tính khách quan của báo chí trước sức ép của nguồn quảng cáo, nhà tài trợ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có việc các doanh nghiệp tác động đến cơ quan báo chí thông qua hỗ trợ truyền thông để "lái" báo chí theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bộ Thông tin và truyền thông có rà soát, phát hiện, đánh giá, xử lý vấn đề trên. Hiện nay, Bộ đã ban hành quy định nói rõ bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và báo chí, tránh việc lợi dụng báo chí của doanh nghiệp.
Xung quanh ý kiến của đại biểu về tình trạng thông tin tiêu cực tràn lan trên báo chí trong thời gian qua tác động tiêu cực đến bạn đọc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Chúng ta thở bằng không khí, không khí mà ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến phổi. Còn tin tức ô nhiễm thì não bộ cũng bị ô nhiễm".
Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống lắng nghe chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội |
Hiện nay, báo chí hoạt động trên không gian mạng đã có nhiều công cụ mới để rà quét. Bộ Thông tin và truyền thông đã quy định tiêu chí đánh giá về thông tin tiêu cực, tích cực trên báo chí. Theo đó, định mức thông tin tích cực trên 60%, thông tin trung tính chiếm 25%, thông tin tiêu cực khoảng 15%.
Bộ cũng có công cụ để rà soát, đánh giá hàng ngày và gửi cho cơ quan báo chí nhằm chấn chỉnh. Hiện nay, có thực tế nhiều người sử dụng mạng đã chán nản trước thông tin tiêu cực mà quay về thích đọc những thông tin tích cực hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) về hợp tác quốc tế báo chí, Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay không có nhiều quốc gia quản lý báo chí. Việt Nam hiện đang hợp tác quốc tế với các nước có quản lý báo chí. Chúng ta cũng có chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia không có luật về báo chí, nhưng ở các quốc gia này có quy định ở mức dưới luật liên quan đến hoạt động báo chí. Bộ trưởng khẳng định, luôn coi trọng thông tin truyền thông, trong rất nhiều chính sách mà Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất đều có tham vấn kinh nghiệm quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, thông tin và truyền thông là ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số bao gồm: Hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý nhà nước về báo chí phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành và cũng chủ yếu là trên môi trường số, trên hạ tầng truyền thông số.
Đây là một ngành với nhiều công nghệ chiến lược như: Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tính toán lượng tử, trí tuệ thông minh, thực tế ảo và an toàn thông tin mạng.
Đây là những công nghệ chiến lược mới trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh tạo ra lực lượng sản xuất cơ bản, góp phần tạo ra không gian sống mới, không gian số; tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu số; tạo ra nền tảng về hạ tầng số về công nghệ số và công nghiệp số để chuyển đổi số các ngành truyền thống rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông NGUYỄN MẠNH HÙNG, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là từ thế giới thực sang thế giới số, chúng ta phải làm quen với điều này. Về việc có nên đưa kinh tế số vào môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hay không, ông Hùng cho hay ông vừa trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong giờ giải lao và Thủ tướng cho rằng “rất nên”. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ làm việc với Bộ GD – ĐT để nâng cấp môn Tin học trong nhà trường để giáo dục kiến thức về kỹ năng số cho học sinh.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin