Báo Đồng Nai điện tử
En

Truyền thông xã hội và công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng

Thảo Nguyên
08:00, 06/11/2024

Năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của các kênh truyền thông xã hội, khẳng định sức ảnh hưởng to lớn đối với đời sống xã hội trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển.

Điều này đặt ra những thách thức nhưng cũng đồng thời là điều kiện để đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng.

Sự tăng trưởng của truyền thông xã hội

Theo Báo cáo Digital Việt Nam 2024 của Datareportal và Wearesocial, tính đến đầu năm nay, có đến 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Đặc biệt, vào tháng 1-2024, cả nước có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH), tương đương 73,3% tổng dân số. Các nền tảng truyền thông xã hội tiếp tục tăng trưởng với số người dùng khổng lồ, những cái tên quen thuộc như Facebook với 72,7 triệu người dùng, YouTube có 63 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người dùng…

Không chỉ có số người dùng lớn, thời gian sử dụng MXH trung bình mỗi ngày của người dùng ở nước ta cũng rất lớn, với 2 giờ 25 phút. Báo cáo này cũng chỉ ra chi tiết thú vị, đó là có đến gần 50% nhu cầu sử dụng MXH của người dùng trên các nền tảng là để cập nhật tin tức mới. Đây là lượng thời gian không hề nhỏ khi chúng ta sử dụng internet, điều này cũng cho thấy sẽ có một lượng thông tin không hề nhỏ được người dùng MXH cập nhật mỗi ngày. Tất nhiên, trong vô vàn những thông tin xuất hiện trên MXH, sẽ có những thông tin xấu, độc được lồng ghép, cài cắm để tiếp cận người dùng bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu không có kiến thức, năng lực tiếp nhận truyền thông khi sử dụng MXH thì người dùng rất có thể bị “đầu độc” bởi những luồng thông tin tiêu cực, xuất hiện âm thầm nhưng thường xuyên và có mục đích. Bởi thực tế, cùng với báo chí thì MXH đã trở thành kênh tiếp nhận thông tin quen thuộc của người dân, bên cạnh các nhu cầu khác như giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, tìm kiếm sản phẩm, mua sắm hay tìm kiếm ý tưởng, nội dung…

Theo PGS-TS Vũ Quang Hào, giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), kỹ thuật số đang có lợi thế chiếm trọn nhóm đối tượng tiềm năng để tiếp cận truyền thông, nó phủ sóng gần như trọn vẹn từ trẻ em đến người lớn trong tháp dân số nước ta. Sản phẩm truyền thông MXH gồm có: video clip, ảnh, status (dòng trạng thái), comment (bình luận), quảng bá, quảng cáo và sản phẩm báo chí chính thống. Trong đó, video clip và ảnh có số lượng lớn nhất, sức lan tỏa lớn nhất, sức cuốn hút mạnh mẽ nhất, ấn tượng khó phai nhất nhưng ranh giới giữa chân thực và giả tạo, đúng và sai cũng mong manh nhất.

Tại Hội nghị Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên ban chỉ đạo 35 cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương năm 2024, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy PHẠM XUÂN HÀ cho biết, việc trang bị kỹ năng, kiến thức về truyền thông MXH là nội dung vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với Ban Chỉ đạo 35 trong bối cảnh công nghệ số phát triển.

Tạo ra những “làn sóng” tin tức

Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn không ngừng tìm mọi cách để xây dựng và phát tán các “chiến dịch truyền thông bẩn” trên MXH với những thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, về công tác cán bộ, công tác dân tộc, tôn giáo, vấn đề dân chủ, nhân quyền… Chúng ra sức phá hoại, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng hòng làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, mục tiêu cuối cùng là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Với hình thức, thủ đoạn biến đổi tinh vi, thâm độc, lồng ghép kín đáo, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã âm thầm phủ lên MXH bức tranh tối màu về tình hình đất nước cũng như các địa phương. Bên cạnh phản bác, đấu tranh trực diện với những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, xấu, độc thì việc phát huy vai trò của truyền thông MXH trong định hướng dư luận, đưa thông tin chính thống đến với mọi người dùng MXH, biến thông tin tích cực, các giá trị tốt đẹp trở thành dòng chủ lưu trên MXH là rất cần thiết.

Tại Đồng Nai, địa phương có nền kinh tế - xã hội phát triển sôi động cùng với đặc thù đa tôn giáo và nhiều thành phần dân tộc, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng luôn được chú trọng.

Gợi mở các vấn đề về MXH đặt ra cho địa phương, PGS-TS Vũ Quang Hào nhấn mạnh, các mục tiêu truyền thông địa phương trên MXH là truyền thông về các chính sách của địa phương, quản trị khủng hoảng và xây dựng thương hiệu, lan tỏa hình ảnh, uy tín của địa phương. Một trong những vấn đề về MXH đặt ra cho địa phương đó chính là khích lệ người dân làm truyền thông. Cụ thể là giúp người dân làm truyền thông theo các chiến dịch truyền thông, giúp người dân chọn lọc và đánh giá thông tin và cuối cùng là hỗ trợ người dân sản xuất sản phẩm truyền thông.

Trước sự phát triển không ngừng của MXH, chúng ta cần sử dụng nó như một kênh truyền thông chủ lực, bên cạnh báo chí địa phương. Muốn làm được điều này phải có sự tức thời, nhanh nhạy trong nắm bắt các luồng thông tin, tạo ra những “làn sóng” tin tức đông đảo, nhất quán và đồng thuận…

Thảo Nguyên

Tin xem nhiều
Cho thuê xe 7 chỗ Quy Nhơn giá rẻ Gói MXH120 tại vietteldata.vn