Báo Đồng Nai điện tử
En

Người cất cánh cho thương hiệu xoài Suối Lớn

09:02, 09/02/2010

Cách nay tròn 15 năm, một thanh niên mới ngoài 30 tuổi, vận động vợ con và gia đình các anh em ruột đang có cuộc sống ổn định ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vượt hơn 300km lên vùng đất cát, bạc màu Xuân Hưng - Xuân Lộc để trồng xoài...

Cách nay tròn 15 năm, một thanh niên mới ngoài 30 tuổi, vận động vợ con và gia đình các anh em ruột đang có cuộc sống ổn định ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vượt hơn 300km lên vùng đất cát, bạc màu Xuân Hưng - Xuân Lộc để trồng xoài...

Ông Nguyễn Thế Bảo

 

* Nước mắt chan cơm

 

3 năm trước, trong một lần ghé thăm người quen ở Sa Đéc lên Xuân Hưng làm ăn, Nguyễn Thế Bảo đã dòm ngó đến vùng đất này. Tuy ở quê có công việc, nhà cửa ổn định, nhưng lại bó hẹp mở rộng sản xuất vì đất ít. Sau rất nhiều ngày đêm suy nghĩ, Bảo vận động, thuyết phục 5 gia đình anh em ruột gom góp tiền bạc lên Xuân Hưng mua đất lập vườn. Mùa mưa năm 1995, cả 5 anh em bỏ lại vợ con ở quê, mang theo 1,7 lượng vàng tới Xuân Hưng mua 10 hécta đất.  “Tôi đã dự liệu sẽ gian khổ khi đến lập nghiệp tại nơi này. Nhưng thực tế khó khăn gấp bội lần so với suy nghĩ” - Bảo nói.

 

5 anh em Bảo đã phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Đất đai thì rộng nhưng cây trồng ở đây rất khó sinh trưởng. Đến như đậu cắm xuống lớn chừng một gang tay là chết. Phía dưới rất nhiều đá sỏi. Cuốc bổ xuống nhiều khi tóe lửa. Bàn tay chai lì cũng không chịu nổi. Hầu hết người dân địa phương đành bỏ hoang, không ai còn đủ kiên nhẫn để canh tác. Cỏ dại mọc um tùm để nuôi dê, bò. 10 hécta được  anh em Bảo đầu tư trồng xoài, bưởi xen đu đủ và chuối.  Nhưng công sức trồng không lo bằng dê, bò người dân địa phương thả nuôi vào phá phách. Bảo tâm sự: “Rất vất vả tìm mọi cách ngăn chặn không cho dê, bò phá để giữ cây phát triển thì lại bị người chặt phá. Do không muốn các vườn cây “cản trở” việc chăn nuôi thả rông, chỉ trong một đêm người ta đã chặt của anh em tôi 7 hécta xoài, đu đủ và chuối”. Chuyện xảy ra đúng vào cái năm mà các bà vợ và những đứa con cháu của 5 anh em Bảo lũ lượt từ quê Đồng Tháp lên Xuân Hưng cùng sinh sống.

Đất cũng không dễ chiều lòng người, cây xoài trồng 3 năm lá ra xum xuê, song lác đác chỉ vài nhúm bông. Xoài năng suất thấp và trái xấu. Đến năm 2000, không chịu nổi cơ cực, anh em Bảo đã tính chuyện trồng xà cừ thay cho cây xoài. 1.000 cây xà cừ đã được cắm xuống. Đúng lúc này, nghe tin nhà vườn ở La Ngà (huyện Định Quán) biết cách xử lý cho cây xoài ra bông theo ý muốn, Bảo rủ nhiều người cùng thuê xe đi La Ngà học tập.

 

*  “Đặt tên” cho xoài Suối Lớn

 

Bảo vỡ lẽ ra rằng, các giống xoài cho dù được tuyển chọn từ miền Tây đem lên Xuân Hưng trồng vẫn không ăn, là vì đất miền Tây có độ ẩm khá tốt, còn vùng đất này quá nắng nóng nên xoài dễ bị rụng bông. Theo kinh nghiệm từ nhà vườn La Ngà, phải biết xử lý kỹ thuật và còn dùng thuốc kích thích cho xoài trổ bông vào vụ nghịch. Vậy là nhà vườn Suối Lớn đã biết cách chăm sóc, dưỡng cho cây ra trái tốt cả vụ nghịch lẫn chính vụ. Năng suất tăng lên 25 - 30 tấn/hécta,  gấp 2 lần so với trước. Thành công này thu hút nhiều nhà nông ở miền Tây ùn ùn về Suối Lớn lập vườn xoài, diện tích mở rộng tăng lên 200 hécta và cả Xuân Hưng có trên 500 hécta,  đã trở thành vùng trồng xoài lớn nhất nhì Đồng Nai. Đến năm 2004, tức sau 10 năm lên đây lập nghiệp, Bảo cùng các anh em của mình mới có thu nhập ổn định. Lợi nhuận hàng năm của gia đình Bảo đạt khoảng  200-300 triệu đồng/năm.

 

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thế Bảo và xoài Suối Lớn đã có thương hiệu.

Không chịu cảnh làm ăn phân tán, mạnh ai nấy bán với giá cả khác nhau, Bảo vận động thành lập hợp tác xã. Tháng 8-2007, Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại và du lịch Suối Lớn ra đời, có 29 xã viên với 76 hécta xoài. Sản lượng lớn lên đến hơn 2.000 tấn/năm tìm đầu ra cũng khó. Đích thân Bảo đã đi khảo sát vùng biên giới phía Bắc để tìm cách xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng chỉ vài lần là anh đã thấy cách làm tiểu ngạch phiêu lưu, dễ bị ép giá và dội chợ. “Thị trường trong nước mua bán theo kiểu hàng chợ cũng không ổn. Chỉ có xây dựng quy trình sản xuất xoài chất lượng cao và có thương hiệu thì đầu ra mới ổn định” - anh Bảo đi đến kết luận.

 

Giữa năm 2009, HTX đã được Sở NN-PTNT đầu tư hỗ trợ quy trình Việt GAP (thực hành nông nghiệp tốt) để đảm bảo sản xuất xoài sạch, đồng thời HTX đăng ký nhãn hiệu xoài Suối Lớn và còn đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng chất lượng sử dụng xoài từ 3-4 ngày lên 10-15 ngày. Chủ nhiệm Bảo khoe: “Tết Canh Dần này, xoài Suối Lớn đã có thương hiệu và nhận chứng chỉ GAP. Đây sẽ là điều kiện cho xoài Suối Lớn tiến vào các siêu thị lớn trong nước để ổn định đầu ra”.

THANH TRÀ

Tin xem nhiều