Báo Đồng Nai điện tử
En

Những 'cây đại thụ' của buôn làng

03:01, 18/01/2023

Tết Quý Mão 2023, già làng Điểu Phê (dân tộc S'tiêng) ở sóc Ba Buông (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) đã 73 tuổi. Dù tuổi ngày càng cao nhưng già làng Điểu Phê vẫn rất vui khi qua những mùa Xuân mới, cuộc sống đồng bào S'tiêng ở sóc Ba Buông ngày thêm khởi sắc.

Tết Quý Mão 2023, già làng Điểu Phê (dân tộc S’tiêng) ở sóc Ba Buông (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) đã 73 tuổi. Dù tuổi ngày càng cao nhưng già làng Điểu Phê vẫn rất vui khi qua những mùa Xuân mới, cuộc sống đồng bào S’tiêng ở sóc Ba Buông ngày thêm khởi sắc.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước (giữa) thăm hỏi đồng bào Khmer tại TP.Long Khánh nhân dịp lễ hội của đồng bào năm 2022. Ảnh: Sông Thao
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước (giữa) thăm hỏi đồng bào Khmer tại TP.Long Khánh nhân dịp lễ hội của đồng bào năm 2022. Ảnh: Sông Thao

Già làng Điểu Phê là một trong 206 già làng, người có uy tín, đại diện cho 50 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn tỉnh đang không ngừng nỗ lực làm cầu nối giữa đồng bào DTTS với các cấp ủy, chính quyền trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của bà con.

* Điểm tựa của đồng bào

Già làng Điểu Phê kể, năm 1995, ông và 22 hộ dân ở khu vực suối Lạnh (ấp 4, xã Xuân Hòa) và xã Lộc Tấn (H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) rủ nhau về sóc Ba Buông ở ấp 2, xã Xuân Hòa để định canh định cư. Cuộc sống ngày đầu tuy khó khăn nhưng với ý chí tìm vùng đất mới lập sóc của đồng bào, cùng với việc được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ: cấp đất ở, đất sản xuất, trợ cấp lương thực… nên cuộc sống nhanh chóng ổn định.

Năm 2019, khi xã, huyện triển khai chương trình dự án Nhà văn hóa dân tộc S’Tiêng cho sóc Ba Buông nhưng chưa tìm ra quỹ đất để xây, già Điểu Phê tự nguyện hiến 660m2 đất của gia đình để địa phương xây nhà và thêm 1.050m2 mở con đường nội đồng (ngang 7m, dài 150m) bên hông Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng.

“Trong những năm qua, đồng bào các DTTS đã tích cực góp sức thi đua xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới, đoàn kết các dân tộc… Trong đó, các già làng, người có uy tín được các cấp, ngành, đơn vị đánh giá là hạt nhân tích cực, tiêu biểu, nêu gương” - ông THỔ ÚT, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh bày tỏ.

“Gia đình già không nhiều đất nhưng khi địa phương xin được nguồn kinh phí trên 3 tỷ đồng để xây nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào mình thì già cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp này” - già làng Điểu Phê bày tỏ.

Tương tự, KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) cũng ngày càng đẹp, khang trang, sung túc hơn. Trên 200 đồng bào dân tộc Chơro sinh sống tại đây không bao giờ quên những “cây đại thụ” của dân làng: già làng Thổ Chẳn (đã mất), già làng Mai Văn Lượng (tức Ba Lượng) là những cầu nối giữa đồng bào với các cấp chính quyền trong việc quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng (đường, điện) đến gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc Chơro.

Chị Mai Thị Vàng (Tổ trưởng Tổ 3A, KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh) cho biết, các già làng luôn là niềm tin, điểm tựa của khu định canh định cư. Thời kỳ khu phố còn khó khăn, các già làng phối hợp với chính quyền lo cho đồng bào không ai bị bụng đói, có nhà kiên cố để ở, trẻ em được tới trường. Nay khu phố văn minh, hiện đại, các già lại lo cho đồng bào nói năng lịch thiệp, làm giàu chân chính, tin Đảng, chính quyền, cùng góp sức lực xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Để xứng đáng với niềm tin của đồng bào, già làng Mai Văn Lượng bày tỏ, ngoài gương mẫu, đầu tàu, người làm già làng, người có uy tín phải luôn biết hy sinh cái lợi nhỏ của bản thân, gia đình để được cái lợi lớn cho cộng đồng, xã hội.

* Giúp đồng bào vững tin vào Đảng, chính quyền

Suối Đục là ấp khó khăn nhất xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Để việc đi lại của người dân, học sinh thuận lợi, người có uy tín Trần Cún Giễng (cũng là Trưởng ấp Suối Đục) không ngại bỏ thời gian, công sức vận động nhân dân, đồng bào dân tộc Hoa tham gia cứng hóa đường giao thông trong ấp. Khi đường được cứng hóa, ông vẫn chưa hài lòng, đề nghị chính quyền hỗ trợ ấp kinh phí để bê tông hóa con đường cho đẹp, bắt nhịp với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Cún Giễng bày tỏ, cái gì có lợi, hợp lý, đúng chủ trương cho đồng bào dân tộc Hoa và người dân trong ấp thì ông xin chính quyền hỗ trợ cho bằng được. Vì việc này đem đến lợi ích cho dân, đồng bào và cả ấp chứ đâu phải đem lợi cho cá nhân nên ông không ngại.

Già làng ĐIỂU PHÊ (ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) cho biết, đã là già làng, người có uy tín, lời nói phải nhất quán, trước sau như một. Phải như vậy thì dân mới tin, tạo được sự đoàn kết vững chắc niềm tin cho cộng đồng.

Ông Chề Hồng Quyết (dân tộc Hoa, tổ 5) tỏ bày, nhờ vai trò “cầu nối” của người có uy tín, trưởng ấp Trần Cún Giễng mà đồng bào người Hoa, Tày, Nùng luôn được địa phương ưu tiên đầu tư về: đường, điện, vốn vay, khoa học kỹ thuật… Từ đó, khuyến khích, động viên người dân càng siêng năng làm kinh tế, chăm lo cho con cái học hành thành đạt, vững tin vào Đảng, chính quyền.

“Tôi còn nhớ những năm tháng khó khăn, nhìn cảnh ông Giễng đi khắp nơi vận động, nhận quà Tết đem về phân phát cho dân nghèo mà thương lắm. Nay dân trong ấp ai cũng đủ ăn, khá giả nên ngày xuân trưởng ấp Giễng không còn tất bật tìm quà Tết như trước, mà chỉ lo vận động người dân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, nơi ở khang trang để chuẩn bị đón Xuân mà thôi” - ông Chề Hồng Quyết bộc bạch.

Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, các tuyến đường giao thông của ấp Tân Thành (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) càng thêm sáng - xanh - sạch - đẹp. Để ngày Xuân thêm rộn ràng từ trong nhà ra ngoài ngõ, người có uy tín Sì Văn Hưng (dân tộc Sán Dìu) cứ vậy đi khắp các hộ dân tuyên truyền, vận động dọn dẹp cảnh quan, nơi ở để đón năm mới. Thấy đường thiếu hoa, cây xanh, ông xin cây về vận động dân trồng. Nơi nào đường hư bóng đèn điện, ông xin mạnh thường quân hỗ trợ sửa chữa, thay mới.

Già làng Điểu Phê (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc, đứng thứ 3 từ trái sang) nơi Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng mà già hiến đất để địa phương xây dựng. Ảnh: Đ.PHÚ
Già làng Điểu Phê (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc, đứng thứ 3 từ trái sang) nơi Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng mà già hiến đất để địa phương xây dựng. Ảnh: Đ.PHÚ

“Làm điều tốt cho dân, đồng bào các dân tộc anh em trong ấp thì tôi không có gì phải ngại, xấu hổ. Chỉ khi nào xin về mà làm lợi cho bản thân thì mới xấu, mất uy tín với dân” - ông Sì Văn Hưng bộc bạch.

Toàn tỉnh có 206 người có uy tín, đại diện cho 50 thành phần DTTS và gần 200 ngàn đồng bào (chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh).

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thổ Út, già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát huy rất tốt vai trò làm cầu nối giữa đồng bào các DTTS với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, triển khai và thực thi các chính sách về dân tộc, chủ trương, đường lối của tỉnh, huyện, xã… Các già làng, người có uy tín đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của địa phương bằng những thông tin, việc làm của mình một cách nhất quán, chính xác, cụ thể và dễ hiểu nên đồng bào DTTS số rất tin tưởng.

Già làng Mai Văn Lượng (bên trái) hướng dẫn đồng bào ở KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) về trồng lúa cho năng suất cao
Già làng Mai Văn Lượng (bên trái) hướng dẫn đồng bào ở KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) về trồng lúa cho năng suất cao

“Các già làng, người có uy tín không chỉ là chỗ dựa tinh thần của đồng bào các DTTS tại các làng, sóc, khu định canh, định cư mà họ còn là địa chỉ tin cậy để các cấp chính quyền, hệ thống chính trị tham khảo ý kiến trong việc ban hành, thực thi các chính sách, dự án phục vụ cộng đồng. Bởi, tiếng nói của các già làng, người có uy tín là tiếng nói đại diện cho cộng đồng các DTTS tại địa phương, rất khách quan và đúng với nguyện vọng chung của mọi người, hợp ý Đảng, lòng dân” - ông Thổ Út bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều