Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch nông nghiệp: Cánh cửa 'xuất khẩu' nông sản tại chỗ của nhà nông

10:01, 18/01/2023

Với tổng diện tích trên 73 ngàn ha cây ăn quả, mỗi năm Đồng Nai cung cấp ra thị trường khoảng 700 ngàn tấn trái cây các loại. Đồng Nai cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Những lợi thế trên là điều kiện để tỉnh đẩy mạnh khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Với tổng diện tích trên 73 ngàn ha cây ăn quả, mỗi năm Đồng Nai cung cấp ra thị trường khoảng 700 ngàn tấn trái cây các loại. Đồng Nai cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Những lợi thế trên là điều kiện để tỉnh đẩy mạnh khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Du lịch trải nghiệm làng quê đang thu hút khá đông du khách
Du lịch trải nghiệm làng quê đang thu hút khá đông du khách

Những con đường làng, ngôi nhà quê được gìn giữ sạch đẹp từ nhà ra đến ngõ, gắn liền với các vườn cây ăn trái đã tạo nên một khung cảnh làng quê yên bình, thịnh vượng. Cùng với sự đa dạng, phong phú, các sản phẩm cây ăn trái đã trở thành thế mạnh để người nông dân khai thác, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang bản sắc riêng của vùng đất Đồng Nai.

* Những nhà vườn đa năng

Mặc dù mới phát triển rầm rộ khoảng 4-5 năm trở lại đây nhưng trên thực tế, Đồng Nai đã có sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi tiếng từ khoảng 20 năm nay. Người nảy ra ý tưởng khai thác du lịch vườn chính là ông Huỳnh Đức Huệ (Năm Huệ), lão nông ở xứ bưởi Tân Triều trứ danh tại H.Vĩnh Cửu.

Ông Năm Huệ cho biết, thời điểm đó, bưởi Tân Triều đã có tiếng khắp nơi nhưng vẫn chưa được người dân trồng chuyên canh. Tiếc cho món ngon chưa được khai thác hết tiềm năng, ông đã mạnh dạn đầu tư chuyên canh vườn bưởi 0,5ha của gia đình và bắt đầu kinh doanh đặc sản bằng cách cho khách vào vườn tham quan và mua bưởi. Khi lượng khách tăng dần, ông lại có ý tưởng phục vụ ăn uống tại vườn, đặc biệt là các món ăn như: gỏi bưởi, gà hấp bưởi, rượu bưởi, chè bưởi… được thực khách đón nhận.

Những món ăn từ bưởi vừa tạo được đặc sắc, ấn tượng trong ẩm thực, vừa góp phần đưa thương hiệu bưởi Tân Triều đến với nhiều người hơn. Giờ đây, đến điểm du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều, du khách sẽ có thêm nhiều khám phá, trải nghiệm thú vị. Không chỉ mình ông Năm Huệ, hiện nay tại các vườn bưởi nằm ven đường, các hộ dân cũng bày những quầy hàng bưởi, tạo nên một vùng bưởi Tân Triều thuần túy, khách du lịch hoàn toàn yên tâm khi mua bưởi tại vườn.

Theo ThS PHAN BỬU TOÀN, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, từ sau dịch bệnh Covid-19, Đồng Nai có sự thay đổi khá nhiều từ quan điểm, chính sách cũng như hướng phát triển. Đây là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của du lịch địa phương. Hy vọng trong tương lai không xa, du lịch Đồng Nai sẽ phát triển toàn diện. Ngành Du lịch phải có bộ nhận diện thương hiệu riêng từ slogan, ý nghĩa câu chuyện du lịch mang lại, sự kết nối giữa người dân và khách hàng… Bởi khi đã giúp nông dân tạo ra các sản phẩm du lịch, cần có chính sách xúc tiến du lịch hiệu quả, linh hoạt, bắt kịp xu thế.

Tiếp nối sự thành công từ mô hình du lịch sinh thái tham quan vườn bưởi của ông Năm Huệ, điểm du lịch nông nghiệp thứ 2 phải kể đến là Vườn ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán). Vườn ca cao Trọng Đức đã tạo được ấn tượng và thu hút du khách bởi sự độc đáo về cây ca cao và các món nước uống được chế biến từ loại cây trồng trong vườn.

Đến đây, khách du lịch sẽ được khám phá quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến trái ca cao thành những sản phẩm như: bột ca cao, chocolate, các loại nước uống từ bột ca cao, trái ca cao tươi…

Bà Nguyễn Thị Trúc My, du khách đến từ TP.HCM cho biết, lần đầu tiên bà được trực tiếp khám phá cây và trái ca cao tại vườn, thưởng thức các món nước uống từ trái ca cao. Ấn tượng nhất là món sinh tố ca cao từ trái ca cao tươi, một loại nước uống có vị đặc biệt mà chỉ đến Vườn ca cao Trọng Đức mới được thưởng thức.

Không hổ danh là “thủ phủ” trái cây của Đồng Nai, TP.Long Khánh đã khiến bao du khách phải chờ đợi đến mùa trái chín để trở về mảnh đất trù phú này thưởng thức những loại trái đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Đặc biệt, du khách được tận hưởng không khí lễ hội trái cây với những gian hàng đặc sản, món ngon chế biến từ trái cây.

Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết, TP.Long Khánh là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức và duy trì lễ hội trái cây thường niên. Đây là sự kiện được mong chờ của nhân dân và du khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cũng là “điểm nhấn” trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Thông qua sự kiện, đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan đến rồi trở lại thành phố với những ấn tượng tốt đẹp về một vùng đất trù phú, con người thân thiện, mến khách.

* Trải nghiệm không gian quê

Nói về du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Nai, thời gian qua nổi lên khá nhiều mô hình được khách du lịch đánh giá cao về tính trải nghiệm, khám phá không gian thiên nhiên với những sáng tạo mới như: sản phẩm du lịch Phú Điền homestay (H.Tân Phú); làng du lịch sinh thái vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh); vườn hoa Bốn Mùa, vườn dâu… (H.Xuân Lộc); vườn trái cây Lộc An (H.Long Thành)…

Trẻ em vui thích với trải nghiệm bắt cá, lội bùn
Trẻ em vui thích với trải nghiệm bắt cá, lội bùn

Là người có sở thích du lịch khám phá những vùng đất mới, anh Trần Quốc Phong (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, vào những dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết, anh thường tham gia cùng nhóm bạn tìm đến những vùng quê, khu vực bờ hồ để tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sinh hoạt cũng như thưởng thức các món ăn dân dã của người dân tại các vùng quê. Nếu trước kia, anh Phong thường chọn điểm đến là một số tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Bắc thì thời gian gần đây, những miền quê tại Đồng Nai đã trở thành điểm hấp dẫn anh và gia đình bởi những vườn trái cây, cánh đồng lúa và phong cảnh làng quê yên bình.

Anh Phong chia sẻ: “Du lịch gần nhà có thể đi hết cả gia đình, không phải lo các con nhỏ di chuyển xa xôi mất nhiều thời gian. Về các vùng quê, tôi được nghe những câu chuyện của nhà nông về nếp sinh hoạt, lao động sản xuất cũng như những phong tục, tập quán thường ngày… Qua những câu chuyện ấy, tôi có thêm kiến thức, sự hiểu biết về bà con nông dân, những giây phút thú vị khi được trực tiếp trải nghiệm kỹ năng làm ruộng, bắt cá, thu hoạch nông sản. Những trải nghiệm này nếu ở thành thị không dễ gì có”.

Ngoài mang lại những giá trị về văn hóa, tinh thần, tạo sự phong phú, đa dạng cho ngành Du lịch tỉnh nhà, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhờ đó, vừa giúp nông dân có doanh thu khi kinh doanh du lịch, vừa tạo được việc làm cho lao động nông thôn khi phục vụ tại các điểm đón khách. Và khi nông dân làm du lịch, họ còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều du khách, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng, tư duy... trong làm kinh tế cũng như cách ứng xử văn minh trong giao tiếp hằng ngày.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế năng động bậc nhất cả nước, lại có sự đa dạng về văn hóa, địa hình, tạo ra những điểm du lịch khá hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng. Qua những năm xây dựng NTM đã hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng nông thôn, tạo vùng cảnh quan tương đối hài hòa, đẹp mắt. Cùng với những thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống rừng, sông, hồ phong phú, góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch liên hoàn. Những năm qua, Đồng Nai luôn tập trung phát triển du lịch. Thực tiễn đã hình thành những điểm du lịch như: Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Định Quán… khách đến các điểm du lịch được trải nghiệm, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

Các món ăn được chế biến từ bưởi góp phần nâng giá trị cho trái bưởi
Các món ăn được chế biến từ bưởi góp phần nâng giá trị cho trái bưởi

Theo ông Lê Văn Gọi, những sản phẩm nông sản khi kết hợp làm du lịch sẽ nâng cao được giá trị. Tuy nhiên, người nông dân cần chuyên nghiệp hóa trong xây dựng điểm đến, quảng bá sản phẩm, phải làm sao để du khách đến rồi lại muốn đến nữa. Để làm được điều đó, đòi hỏi người nông dân phải chú trọng phát triển du lịch quảng bá, không chỉ tạo đầu ra cho sản phẩm mà còn thể hiện văn hóa ứng xử, tình người, sự tiếp đón nồng hậu.

Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ nông dân trong làm du lịch, ông Lê Văn Gọi cho biết: “Ngành Nông nghiệp những năm qua đang khuyến khích nông dân quy hoạch lại vùng nông nghiệp tập trung. Đời sống người dân hiện nay đã khác, điều kiện sống tốt hơn nên nhu cầu đòi hỏi được sử dụng các sản phẩm an toàn tốt cho sức khỏe ngày càng cao. Do đó, ngành Nông nghiệp phải nhìn nhận, cùng nông dân thay đổi, không chỉ đạt các yếu tố về số lượng mà còn phải đạt cả về chất lượng”.

* Góc nhìn khác về Đồng Nai

Lâu nay, khi nói đến Đồng Nai, nhiều người sẽ nghĩ đến những khu công nghiệp với các vùng dân nhập cư đông đúc, khói bụi ngột ngạt. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ngoài công nghiệp, Đồng Nai còn là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp.

Trong tổng số hơn 73 ngàn ha diện tích trồng cây ăn trái trong tỉnh, một số cây trồng có diện tích và sản lượng lớn như: xoài với gần 12 ngàn ha, sản lượng mỗi năm gần 113 ngàn tấn; bưởi trên 10,3 ngàn ha, sản lượng trên 73,8 ngàn tấn; chôm chôm gần 9,2 ngàn ha, sản lượng trên 152 ngàn tấn và các loại cây ăn trái khác như: sầu riêng, cam, quýt…

Du lịch vườn vốn nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, thế nhưng ngay tại vùng Đông Nam bộ những năm gần đây, Đồng Nai đang trở thành điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ở Đồng Nai có núi rừng, sông, hồ và nông nghiệp xen lẫn trong những sắc thái đó. Những lợi thế này đã được tỉnh nhìn ra và đang có hướng đi mới.

Nhìn nhận về sự phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, ThS Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn (đơn vị hỗ trợ Đồng Nai phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng) cho biết, Đồng Nai đang có những bước chuẩn bị khá căn cơ từ quy hoạch đến đào tạo nhân lực và phát triển các sản phẩm du lịch.

Đến nay, tỉnh đã có những tour du lịch mẫu. Theo ThS Phan Bửu Toàn, đây là mấu chốt rất quan trọng trong phát triển du lịch. Đồng Nai cũng đã hình thành những đoàn farm trip để mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư, đưa du khách về với địa phương.

Đến nay, Đồng Nai cũng đã có DN khai thác khá hiệu quả tour du lịch đường sắt liên tỉnh từ TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Đặc biệt, hiện nay nhiều gia đình ở TP.HCM có xe ô tô là điều kiện phù hợp với xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, đang khá thịnh hành. Đồng Nai sẽ trở thành nơi đón khách lẻ tốt nhất bởi có đủ các thế mạnh, đáp ứng nhu cầu du lịch cho mọi đối tượng trong gia đình.

Khách du lịch tham quan vườn bưởi Tân Triều Năm Huệ và thưởng thức các món chế biến từ bưởi
Khách du lịch tham quan vườn bưởi Tân Triều Năm Huệ và thưởng thức các món chế biến từ bưởi

Tại các vùng nông thôn, người nông dân làm du lịch cũng đang trở nên chuyên nghiệp hơn. Ngoài khai thác mảnh vườn có sẵn, bán được nông sản, nhiều nông dân muốn hoàn thiện điểm đến với sự đa dạng, gia tăng các loại cây trồng có thể khai thác quanh năm.

ThS Phan Bửu Toàn cho rằng, nếu được đầu tư bài bản, khoảng 5 năm tới, Đồng Nai sẽ có vị trí nổi bật trong thị trường du lịch của vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước.

“Để đạt được kết quả như mong muốn, đòi hỏi người nông dân có sự hỗ trợ, đầu tư từ chính sách hỗ trợ, nguồn vốn, kiến thức, kỹ năng… Cần có sự kết nối giữa DN và người nông dân để khai thác sản phẩm sau khi đã tạo ra. Người nông dân chỉ cung cấp sản phẩm, còn DN lo tìm nguồn khách, đó là sự liên kết bền vững giữa lữ hành với các điểm tham quan, đây cũng là vấn đề mà Đồng Nai còn thiếu” - ThS Phan Bửu Toàn nói.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều