Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân bay Long Thành: Ngày cất cánh không còn xa

05:01, 28/01/2022

Sau 1 năm khởi công, những hạng mục đầu tiên của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã sắp "về đích". Cùng với đó, những hạng mục quan trọng khác của dự án cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để triển khai thi công. Ngày "siêu" sân bay Long Thành "cất cánh" không còn xa.

Sau 1 năm khởi công, những hạng mục đầu tiên của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã sắp “về đích”. Cùng với đó, những hạng mục quan trọng khác của dự án cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để triển khai thi công. Ngày “siêu” sân bay Long Thành “cất cánh” không còn xa.

Ngày “cất cánh” của sân bay Long Thành không còn xa
Ngày “cất cánh” của sân bay Long Thành không còn xa

* Hoàn thành toàn bộ công trình trước tháng 1-2025

Tháng 1-2021, dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chính thức “bấm nút” khởi công xây dựng. Mục tiêu đề ra của dự án là cuối năm 2025 phải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án thành phần 3, dự án xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1, sau lễ khởi công, những hạng mục đầu tiên của dự án gồm rà phá bom mìn và xây dựng hàng rào đã ngay lập tức được triển khai thực hiện. Sau 1 năm, 2 hạng mục đầu tiên của dự án đã cơ bản hoàn thành thi công. Công tác san nền thoát nước cho khu vực nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay đến nay đã cơ bản hoàn thành thiết kế kỹ thuật và sẽ được triển khai thi công trong thời gian tới để phục vụ khởi công phần móng nhà ga hành khách và các khu vực còn lại trong quý I-2022.

Sân bay Long Thành có quy mô đầu tư xây dựng đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 336 ngàn tỷ đồng, dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư xây dựng:

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh dài 4 ngàn m, rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay; 1 nhà ga hành khách, đài kiểm soát không lưu, nhà ga hàng hóa cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ đáp ứng công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 109 ngàn tỷ đồng.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất/hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục dự án với 4 đường cất/hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ. Công suất đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Đối với hạng mục xây dựng nhà ga hành khách, một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án, theo Bộ GT-VT, gói thầu thiết kế kỹ thuật nhà ga hành khách đã được triển khai từ tháng 6-2021. Công tác thiết kế kỹ thuật đã ưu tiên hoàn thiện và phê duyệt trước phần móng công trình để bảo đảm khởi công công trình nhà ga hành khách trong tháng 3-2022. Bên cạnh đó, các công tác thiết kế kỹ thuật hạ tầng (công trình khu bay, hệ thống giao thông nội cảng, hạ tầng kỹ thuật điện nước viễn thông...) đang được ACV thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật, đảm bảo tiến độ khởi công các hạng mục trong năm 2022.

Các công trình phục vụ quản lý bay (dự án thành phần 2, do Tổng công ty Quản lý bay (VATM) làm chủ đầu tư) cũng đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn. Dự kiến sẽ khởi công xây dựng đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ vào tháng 1-2023.

 Đối với dự án thành phần 4 gồm các công trình như: nhà ga hàng hóa, kho giao vận, khu bảo dưỡng thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn, khu cung cấp nhiên liệu, khu logistics hàng không… Với giai đoạn 1 của sân bay Long Thành, Bộ GT-VT sẽ ưu tiên lựa chọn thực hiện khu vệ sinh máy bay; khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất; khu cung cấp suất ăn, trung tâm điều hành của các hãng hàng không; khu bảo trì tàu bay; các công trình còn lại triển khai khi có nhu cầu.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng sân bay Long Thành vào đầu tháng 12-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để triển khai. Do đó, phải tìm mọi giải pháp để rút ngắn thời gian, đảm bảo tiến độ từng công trình, hạng mục với mục tiêu chung hoàn thành dự án vào đầu năm 2025. “Mục tiêu là phải hoàn thành toàn bộ công trình trước tháng 1-2025” - Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: Q.Nhi
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: Q.Nhi

Từ mục tiêu đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu chủ đầu tư ACV và Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ thiết kế, thẩm định thiết kế, đấu thầu. Đối với công trình nhà ga hành khách với số vốn tới 50 ngàn tỷ đồng, tiến hành kỹ càng các bước, quyết tâm khởi công công trình này trước tháng 3-2022. Đối với công trình sân đỗ và đường cất/hạ cánh, cần giữ đúng tiến độ đã cam kết là đến tháng 8-2022 sẽ khởi công. “Khi lập hồ sơ mời thầu phải nêu rõ mốc tiến độ hoàn thành các hạng mục chính như đường băng, nhà ga trước tháng 1-2025 để đưa vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025” - Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.

* Tăng tốc hoàn thành giải phóng mặt bằng

Để phục vụ dự án xây dựng Sân bay Long Thành, Đồng Nai phải hoàn thành thu hồi và giải phóng mặt bằng diện tích đất 5 ngàn ha. Trong số này, có hơn 2,5 ngàn ha thuộc khu vực xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 (1.810ha phục vụ xây dựng sân bay và 722ha đất khu vực dự trữ).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đến nay tỉnh đã thu hồi tổng diện tích hơn 4,1 ngàn ha, trong đó diện tích khu vực ưu tiên (khu vực 1.810ha) hiện chỉ còn 28ha đang hoàn thiện hồ sơ bồi thường.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những trục kết nối giao thông chính giữa sân bay Long Thành với TP.HCM
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những trục kết nối giao thông chính giữa sân bay Long Thành với TP.HCM

Trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Sân bay Long Thành chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, với quyết tâm đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội (sau thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19), địa phương đã ngay lập tức “tái” khởi động lại công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án gồm các bước như: công khai phương án, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; bốc thăm vị trí và bàn giao đất tái định cư cho người dân.

Đối với vướng mắc lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng đã sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ H.Long Thành xử lý, thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ với các trường hợp đất “giấy tay”.

Hạng mục hàng rào sân bay Long Thành đã cơ bản hoàn thành xây dựng
Hạng mục hàng rào sân bay Long Thành đã cơ bản hoàn thành xây dựng

Do đó, đối với phần diện tích còn lại, Đồng Nai đang khẩn trương hoàn thành các công việc để bàn giao toàn bộ diện tích 5 ngàn ha vào tháng 6-2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cam kết, đơn vị thi công “không lo khâu mặt bằng giai đoạn 1”, thi công đến đâu tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng đến đó.

Để đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao đủ diện tích 1.810ha trong tháng 12-2021, bàn giao đủ diện tích khu vực đất dự trữ trong tháng 1-2022 và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trong tháng 6-2022.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều