Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm hổ nói về võ cọp

05:01, 28/01/2022

Trong võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bài võ (quyền) về hổ như: Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền (hệ phái Nam Hồng Sơn), Phục hổ công, Mãnh hổ quyền (Thăng Long võ đạo), Hồng hổ quyền (Tây Sơn - Bình Định)…

Trong võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bài võ (quyền) về hổ như: Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền (hệ phái Nam Hồng Sơn), Phục hổ công, Mãnh hổ quyền (Thăng Long võ đạo), Hồng hổ quyền (Tây Sơn - Bình Định)…

Thế song đao bạt mộc trong bài quyền Lão hổ thượng sơn
Thế song đao bạt mộc trong bài quyền Lão hổ thượng sơn

Riêng bài quyền Lão hổ thượng sơn được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam phổ biến rộng rãi và đưa vào thi đấu, tập luyện thống nhất trên toàn quốc.

* Sự uy dũng của hổ

Theo các võ sư của Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh Đồng Nai, trong võ thuật, hổ là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh và khả năng chiến đấu, sự hung hãn, tinh khôn, cũng như bản năng tự vệ và chiến đấu cao. Do đó, nói đến hổ là nói đến tính dũng mãnh, oai phong lẫm liệt, không chịu khuất phục. Từ đó, cha ông đã sáng tạo những thế võ, đòn đánh mô phỏng động tác của loài hổ như: những đòn hổ trảo, vồ chụp mồi, vả, bạt…

Võ sư Nguyễn Hải Đăng (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) bày tỏ, với đặc tính của loài hổ, khi gặp người hoặc rình bắt người, hổ sẽ tấn công bất ngờ từ đằng sau; nếu con người bỏ chạy nó sẽ đuổi theo vồ. Khi đối thủ nhìn thẳng vào mắt hoặc đối diện với hổ, nó sẽ gườm, thủ thế, lấy đà chụp mồi; nếu nó đập đuôi bên phải, sẽ phóng về bên trái, và ngược lại. Còn vồ thẳng thì đuôi duỗi thẳng. Do đó, bài quyền Lão hổ thượng sơn và các bài quyền về hổ trong võ cổ truyền Việt Nam của các môn phái đều mô phỏng những động tác này của hổ.

 

Với kỹ năng chiến đấu dũng mãnh và sự nhanh nhẹn, hổ đã làm các loài vật khác phải khiếp sợ, dè chừng. Hổ tuy có thân hình to lớn nhưng di chuyển rất uyển chuyển, tốc độ chớp nhoáng.Với đặc tính đó, hổ thường tận dụng sức bật, sự dẻo dai, móng vuốt sắc nhọn, những cú vả, bạt như trời giáng khi cận chiến với đối thủ. Đồng thời, hổ sử dụng cả hàm răng nanh dài nhọn, hàm khỏe, bộ móng vuốt sắc nhọn với những cú cắn, vồ, vả chí mạng vào chỗ hiểm, cùng tiếng gầm gừ dữ tợn khi giao đấu, săn mồi.

Lão võ sư Mã Thanh Hoàng (Chưởng môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn ở TP.Biên Hòa) cho biết thêm, đuôi của của hổ giữ vai trò quan trọng trong các động tác vồ, nhảy qua trái hoặc phải, xoay trở trước, sau, cùng với sức bật tốt. Đòn mạnh nhất của loài hổ là vả thật mạnh vào khu vực mặt và cổ của đối phương, với nanh vuốt sắc nhọn, chiêu đòn này thường khiến con mồi bất động ngay tại chỗ. “Trong khi chiến đấu, hổ còn có một tuyệt chiêu mà giới võ học gọi là thế trâu vằng với việc con hổ khi chiến đấu thường nằm ngửa, chổng 4 chân lên trời. Một khi con mồi hoặc con người sơ ý nhảy vào tấn công sẽ bị tấn công bằng một đòn trí mạng” - lão võ sư Mã Thanh Hoàng nhấn mạnh.

* Lão hổ thượng sơn

Các môn phái, võ đường danh tiếng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như: Hồng Mi Đạo Nhơn, Tây Sơn - Bình Định, Võ Việt, Thiếu lâm Bắc phái Tây Sơn… đều có bài quyền và thế võ hổ cho riêng mình. Tuy vậy, để quảng bá và tập luyện, thi đấu, biểu diễn trong và ngoài nước, các võ đường, CLB võ cổ truyền tỉnh đều đưa vào tập luyện thống nhất bài quyền quốc gia Lão hổ thượng sơn. Vì đây là một trong 10 bài võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào chương trình huấn luyện bắt buộc và biểu diễn trong hệ thống thi đấu quốc gia.

Võ sư Nguyễn Hải Đăng (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, dù là bài quyền của môn phái hay liên đoàn đều lấy chúa sơn lâm làm hình tượng để thể hiện sức mạnh và thần thái uy nghi của loài hổ. Các động tác của quyền đều dứt khoát, xoay chuyển biến hóa, dũng mãnh và mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ.

Võ sư Nguyễn Hải Đăng (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) với thế đơn tọa phục hổ (hổ ẩn phục)
Võ sư Nguyễn Hải Đăng (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) với thế đơn tọa phục hổ (hổ ẩn phục)

Với bài Lão hổ thượng sơn, người luyện tập không chỉ chú trọng di chuyển bước chân, luyện tấn pháp, mà còn tinh luyện bộ tay (luyện hổ trảo). Trong luyện tập, người luyện phải nắm được thần thái của con hổ và biến mình thành mãnh hổ với đủ đòn thế, kỹ thuật khi tấn công, phòng thủ.

Còn võ sư Mã Thanh Hiền (Võ đường Mã Thanh Hiền P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết thêm, kỹ thuật căn bản trong bài Lão hổ thượng sơn cũng là hổ trảo. Hổ trảo hình thành bằng cách quặp các ngón tay theo dáng của móng cọp. Đây là một đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc ép tới. Đích nhắm của hổ trảo là mặt, cổ, háng, cánh tay hoặc cổ tay đối phương. Khi va chạm, ức bàn tay áp mạnh để giúp các ngón tay bấu chắc hơn, rồi bẻ quặt hoặc lôi thẳng xuống. “Hổ trảo là một cử động ép hoặc xé bất chợt. Ứng dụng kỹ thuật này, hiện nay có nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, biến một tay thành hổ trảo chụp lấy cổ tay đối thủ trong khi tay kia dùng quyền đánh thẳng xuống. Hoặc một tay chộp ngược cổ tay, rồi bẻ cánh tay đối thủ, trong lúc tay kia nắm lại áp mạnh xuống một điểm ở phía sau và trên cùi chỏ đối thủ” - võ sư Mã Thanh Hiền giải thích.

Cũng theo võ sư Mã Thanh Hiền, Lão hổ thượng sơn cũng có nhiều kỹ thuật đá (cước). Khi thực hiện kỹ thuật đá phải giữ cho thân mình song song với mặt đất, hai cánh tay dang về phía trước. Đồng thời, kết hợp với kỹ thuật thở để phát triển sức mạnh và uy lực. Khi thở phải phát ra những tiếng động với số lượng được quy định rõ theo thời khắc. Hơi thở có tiếng động là một nét đặc biệt quan trọng vì nó tạo ra sức bền bằng cách thúc ép tống xuất hết thán khí để thay bằng dưỡng khí cần thiết cho sự phát lực. Bật ra hơi thở có tiếng động và ra đòn chớp nhoáng, đầy uy lực luôn là đặc tính của hổ. “Bài quyền Lão hổ thượng sơn có 62 động tác, chia làm 10 phân đoạn. Khi tập luyện, để tăng thêm sự uy dũng, sức mạnh bật ra từ bên trong thì giữa 62 động tác có 3 đoạn hét gồm: Nhất cước phá đao (ở động tác thứ 9), Tả hữu phá cước (động tác thứ 18), Tướng quân bạt kiếm (động tác thứ 38)” - võ sư Mã Thanh Hiền nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều